Thế giới báo động lây nhiễm HIV từ dịch vụ y tế

Google News

(Kiến Thức) - Hiện nay, ngày càng có nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV nguy hiểm mà ít người lường trước được như: Châm cứu hay lấy cao, khám chữa răng ...

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ bê bối trong ngành y tế thế giới liên quan đến lây nhiễm HIV bị phanh phui trước công luận. Từ những dịch vụ chữa bệnh bấy lâu tưởng chừng vô hại như châm cứu, lấy cao răng … lại là nguồn lây nhiễm HIV cao.

16 bệnh nhân bị nhiễm HIV do châm cứu

Sự việc gây xôn xao dư luận tháng 3/2013 khi một giáo viên âm nhạc và 1 nhà châm cứu tự do ở vùng Bern-Mitelland (Thụy Sĩ) đã bị cáo buộc gây nhiễm HIV cho 16 người trong khoảng thời gian 2001-2005. Theo đó, nhà châm cứu này đã thực hiện việc châm cứu mà không có giấy phép và bị cáo buộc là “mượn” công việc để truyền vi rút HIV cho khách hàng bằng những mũi kim tiêm mang sẵn vi rút.

Các quan chức đã bắt đầu điều tra ông này sau khi có đơn khiếu nại trong năm 2005 từ sinh viên Thomas Kaiser, 1 người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV và cho rằng mình chỉ có thể nhiễm bệnh từ quá trình châm cứu.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo các chuyên gia châm cứu trên thế giới thì, kim châm cứu dù không được phép châm sâu vào cơ thể nhưng một khi đã đi qua da thì đều có nguy cơ gây nhiễm bệnh rất cao, đặc biệt khi chưa được khử trùng. 

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc bệnh viện Châm cứu TƯ cho biết: “Việc dùng chung kim châm không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn cả nhiều bệnh lây truyền khác nữa”. 

PGS.TS Nghiêm Hữu Thành giải thích: Về nguyên tắc, cũng giống như kim tiêm, kim châm cứu hoàn toàn có thể lây bệnh nếu dùng chung mà không được hấp, tiệt trùng đúng cách bởi nguyên lý chung của kim là xuyên qua da, tiếp xúc với các mô, tế bào và cả các mạch máu. Do đó, cũng giống như kim tiêm, kim châm cứu ngày nay cũng được thiết kế theo dạng dùng 1 lần.

Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả chữa bệnh khi châm cứu, PGS.TS Nghiêm Hữu khẳng định, muốn làm được điều đó thì nhất thiết phải sử dụng kim sạch khi thực hiện châm cứu, đồng thời khi tiến hành châm cứu phải đảm bảo các khâu và các dụng cụ khác như: Bông, băng, gạch … sạch sẽ.

7.000 người lo nhiễm HIV vì khám răng

Sự vụ này được phát hiện ra khi 480 người đã kéo đến Sở Y tế Tulsa ở ngoại ô Tulsa, bang Oklahoma (Mỹ) để xét nghiệm viêm gan và HIV sau khi đi khám răng.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 7.000 bệnh nhân phòng khám răng của bác sĩ W. Scott Harrington trong 6 năm qua bị nghi nhiễm viêm gan B, viêm gan C và HIV sau khi khám tại phòng khám này. Kết quả những xét nghiệm này sẽ có sau 2 tuần.

Trước đó, vào ngày 29/3, một bức thư gửi đến 7.000 bệnh nhân của bác sĩ W. Scott Harrington cảnh báo họ có nguy cơ nhiễm viêm gan B, viêm gan C và HIV do các dụng cụ trong phòng khám không được tiệt trùng kỹ và vệ sinh đúng cách.
 Lấy cao răng cũng lây nhiễm HIV.

Các nhà điều tra đã tìm thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng tại các phòng khám của bác sĩ Harrington ở Tulsa và ngoại ô Owasso. Theo đó, kim tiêm đã được bỏ vào hộp thuốc sau khi sử dụng và nhiều loại thuốc hết hạn sử dụng đã được tìm thấy trong một tủ thuốc. Trong khi đó, việc quản lý thuốc an thần dành cho bệnh nhân là do các trợ lý thực hiện chứ không phải bác sĩ.

Nghiêm trọng hơn, một dụng cụ khám răng được sử dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm đã bị gỉ, làm mất tác dụng khử trùng và nồi hấp dụng cụ y tế không được sử dụng đúng cách.

Tiến sĩ Matt Messina, cố vấn của Hiệp hội Nha khoa Mỹ, cho biết việc tạo ra một môi trường an toàn và hợp vệ sinh là một trong những yêu cầu cơ bản “trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào”. Hiện các nhà điều tra đang tìm kiếm bác sĩ Harrington.

Qua những sự vụ trên chắc chắn nhiều người sẽ thay đổi suy nghĩ về con đường lây nhiễm HIV. Nếu như trước đây đa số mọi người đều nghĩ, HIV chủ yếu lây nhiễm qua hai con đường là quan hệ tình dục không an toàn và tiêm chích ma túy, thì hiện HIV có thể tìm kiếm đường đến cơ thể bất cứ lúc có cơ hội như châm cứu hoặc khám chữa răng như đã nêu trên.

Từ đầu năm đến nay y học thế giới đã có nhiều nghiên cứu tiến bộ trong việc phát hiện ra nhiều loại vắc xin và thuốc, đặc biệt trong số đó có những loại vắc xin có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư và hơn thế nữa là có thể tiêu diệt được cả các vi rút gây nhiễm HIV.

Trường hợp điển hình là bé gái được sinh ra ở vùng nông thôn Mississippi đã được điều trị tích cực bằng các loại thuốc kháng virus HIV sau khi chào đời khoảng 30 giờ. Bé gái sơ sinh ở Mississippi là trường hợp thứ hai trên thế giới được công nhận chữa khỏi HIV. Tin vui này có thể mang tới nhiều hi vọng cho các nghiên cứu về phương pháp điều trị HIV - điều mà chỉ cách đây vài năm nó được cho là không thể.

Kỳ tới: Liệu các dịch vụ y tế Việt Nam có lây nhiễm HIV?

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Anh Đào