- Scopolamine sẽ ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu, không để kí ức được hình thành. Những sự kiện xảy ra trong thời gian thuốc ảnh hưởng tới thần kinh con người sẽ không được ghi lại.
Giết chết kí ức
Một người phụ nữ đang đi trên phố thì một người đàn ông tiến đến hỏi đường. Vì địa điểm khá gần nên chị này đã đưa anh ta tới đó. Sau khi cùng nhau uống nước hoa quả, chị đưa kẻ lạ mặt về nhà và giúp hắn nhặt nhạnh tất cả những gì có giá trị, gồm cả tiền tiết kiệm của mình và chiếc máy ảnh của bạn trai.
Đây là chuyện truyền miệng của một trong những người tự cho mình là nạn nhân của Scopolamine - một loại thuốc điều chế từ cây Borrachero (Colombia).
|
Scopolamine được điều chế từ cây Borrachero. |
Demencia Black, một người bán Scopolamine ở thủ phủ Bogota cho biết loại thuốc này dễ sử dụng tới mức đáng sợ.
Theo như thông tin anh này cung cấp cho tờ Vice, chỉ cần thổi Scopolamine vào mặt người đi đường là vài phút sau họ sẽ nằm trong sự sai khiến của bạn. "Bạn có thể bảo họ làm gì cũng được", Black giải thích, "Lúc đó, họ giống như trẻ con vậy".
Black cho biết Scopolamine nếu sử dụng với liều cao thì có thể gây chết người. Scopolamine làm tim đập nhanh hơn và gây ra tình trạng kích động.
Nhiều kẻ tiêu thụ thuốc bất lương đã lợi dụng đặc tính này của Scopolamine để chế thuốc gây nghiện. Tháng 5/1996, có ít nhất 116 người ở Philadelphia (Mỹ) phải tới bệnh viện cấp cứu sau khi sử dụng ma túy chế từ cocaine và Scopolamine pha loãng. Tại Baltimore (Mỹ), có 3 người đã tử vong vì hít và tiêm hỗn hợp Scopolamine và dextromethorphan (một loại thuốc giảm ho) vào người.
Scopolamine biến người ta thành dạng không có nhận thức giống như các zombie (thây ma sống) nên người chịu ảnh hưởng của thuốc không thể nhớ chuyện gì đã xảy ra.
Thông thường, kí ức của con người được hình thành qua 3 giai đoạn: tạo thành kí ức, hình thành kí ức dài hạn và quá trình tái hiện.
Khi được đưa vào cơ thể, Scopolamine sẽ ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu, không để kí ức được hình thành. Những sự kiện xảy ra trong thời gian thuốc ảnh hưởng tới thần kinh con người sẽ không được ghi lại.
Vì thế, đến khi thuốc hết tác dụng, người ta vẫn không tài nào nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra.
Theo Đặc san Dược lí Lâm sàng của Anh, loại thuốc này có thể gây ra tình trạng mất trí nhớ ở mức độ tương tự như thuốc an thần diazepam.
Do cấu trúc hoá học, thuốc có thể gây ra tình trạng ảo giác rất mạnh.
Thời cổ xưa, loại thuốc này được ban cho các phu nhân của những thủ lĩnh đã qua đời ở Colombia. Những người phụ nữ này bị chôn sống tại chính hầm mộ của chồng mình.
Trong thời hiện đại, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lại sử dụng loại thuốc này vào quá trình thẩm vấn tù nhân trong thời kì Chiến tranh Lạnh như một loại thuốc khai thác sự thật (loại thuốc có khả năng làm con người tiết lộ những điều mình muốn che giấu).
Thực hư lẫn lộn
Có rất nhiều thông tin đồn đại về việc các dạng chiết xuất khác nhau của Scopolamine được sử dụng như một loại "thuốc thôi miên". Năm 2008, trong một email cảnh báo được chia sẻ rộng rãi, người ta kể rằng một người phụ nữ được cho là đã bị thuốc burundanga (một tên gọi khác của Scopalamine) tác động.
Sau khi nhận tấm card từ một người đàn ông tự xưng là họa sĩ tại một xăng ở thành phố Katy (Texas, Mỹ) và lái xe rời đi, người phụ nữ này bỗng cảm thấy chóng mặt và không thể thở được.
Cô cố gắng mở cửa sổ và cảm thấy bàn tay mà mình vừa chìa ra để cầm tấm card của người đàn ông lạ mặt có mùi thơm. Trong khi đó, người đàn ông lạ kia cùng bạn của mình vẫn lái xe đi theo cô.
Khi cô lái xe vào một nhà dân và bóp còi xin trợ giúp, hai người này cũng lái xe đi mất. Tin đồn này khẳng định có mùi thơm phát ra từ tấm card bị tẩm burundanga.
Phân tích nội dung của email nói trên, trang About.com đã chỉ ra những điều vô lí. Thứ nhất, burundanga là chất không mùi, không vị, nhưng nạn nhân lại cho rằng tấm card bị tẩm thuốc và có mùi.
Thêm nữa, nạn nhân được cho là đã bị đầu độc chỉ bằng cách chạm vào tấm card. Còn các nguồn tin lại khẳng định rằng nạn nhân bị burundanga chi phối khi họ hít hoặc ăn/uống, hoặc tiếp xúc với nó trong một khoảng thời gian đủ dài để thuốc phát huy tác dụng.
Cũng theo trang About.com, các nguồn tin cũng như cơ quan điều tra chưa xác nhận bất cứ vụ phạm tội bằng burundanga nào xảy ra ngoài vùng Mỹ Latinh. Như vậy tính xác thực của email nói trên không cao. Nhiều email cảnh báo về các vụ tấn công, cướp tài sản, thậm chí hãm hiếp bằng burundanga cũng chứa đựng những thông tin mâu thuẫn như vậy.
Để chứng thực thông tin về loại thuốc này, phóng viên Ryan Duffy của Vice cho biết anh này cùng đồng nghiệp đã trực tiếp tới Botoga, thủ đô Colombia. Viết trên CNN, Duffy cho biết chỉ riêng việc nhắc tới scopolamine cũng khiến người dân địa phương sợ hãi.
|
Hình ảnh được cho là Scopolamine trong đoạn video của Vice. |
Trong một tuần theo đuổi thông tin về loại thuốc thôi miên, họ đã được nghe nhiều câu chuyện từ những người đã tự nhận đã bị "thôi miên" bằng scopolamine.
Nhóm của Duffy thậm chí còn nói chuyện với không ít các nhân viên thực thi luật pháp và chuyên gia y tế, những người đã xác nhận tất cả những gì họ được nghe kể. Những câu chuyện này khiến Duffy sợ hãi đến mức bỏ luôn ý định ban đầu là sẽ tự mình thử scopolamine.
Sau một tuần, anh và các đồng nghiệp đã rời khỏi Colombia trong trạng thái gần như hoảng loạn. Họ không thể tự mình khẳng định tác dụng đáng sợ của scopolamine, nhưng cũng không thể phủ nhận điều đó.
Phương Thanh - Lê My (theo DM, NYTimes)
[links()]