- Gần 100 nữ sinh Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ TPHCM bỗng nhiên ngất. Sở Y tế TPHCM đã khảo sát, tham vấn, kiểm tra sức khoẻ các em để tìm câu trả lời xác thực.
Gần 100 học sinh bị ngất
Ngày 12/11, PV
Kienthuc.net.vn đã cùng đoàn khám sức khoẻ các của Sở Y tế TPHCM khám bệnh tầm soát cho 87 em nữ sinh này và tư vấn những thông tin cần thiết cho phụ huynh. Theo dự kiến ban đầu, các em học sinh sẽ được khám tư vấn dinh dưỡng, xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nghe thấy từ lấy máu xét nghiệm có em đã sợ đến ngất xỉu nên các bác sĩ phải bỏ qua phần xét nghiệm máu.
Ngay trong buổi sáng sớm, có 3 em nữ sinh khác đến cấp cứu tại Phòng khám An Nghĩa vì ngất xỉu và hạ canxi máu. Trong đó, có em Nguyễn Thị B., lớp 11 (cao 168, nặng hơn 40kg, BMI 16,86) tuần qua bị ngất 4 lần khi đến trường. Theo chị gái của B. thì em rất lười ăn, buổi sáng mẹ nấu cháo cho B. ăn sáng nhưng em chỉ ăn có vài thìa rồi bỏ không ăn nữa. Đến trường, B. thường cảm thấy chóng mặt, mệt... Theo chẩn đoán của BSCK I Phan Thị Hiền Thu, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, em B. bị thiếu năng lượng trường diễn và có khả năng thiếu máu.
Trường hợp của nữ sinh Bích Th. (16 tuổi, lớp 11, nhà ở xã Lý Nhơn) cân nặng chỉ 43kg, cao 157cm, BMI 17,48, bị ngất xỉu 3 lần tuần trước. Theo chẩn đoán của BSCK I Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, em Bích Th. bị suy nhược cơ thể, thiếu máu, cần phải tăng thêm 4,5kg. Em cho biết, nhà xa nên phải dậy từ 4 giờ sáng. Em kiêng đồ xào rán, chỉ ăn đồ hấp, em không thích ăn cá, nhiều bữa đi học về mệt nên cũng quên ăn tối luôn. Có em gia đình làm nông nên kinh tế khó khăn, thức ăn cũng không có đủ nói chi đến dinh dưỡng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như các em nữ sinh, nhất là khối lớp 10, 11 bị thiếu vi chất rất nhiều, nhìn các em hiếm có em nào hồng hào mà chỉ thấy da xanh tái, mệt mỏi. Các em học sinh lớp 12 cũng bị ngất xỉu nhưng thể trạng các em này có phần khá hơn. Có lẽ, do các em lớn và cũng được gia đình quan tâm hơn do là năm cuối cấp. Theo BSCK I Nguyễn Thị Ngọc Hương, các em đa số phải bổ sung sắt vì hầu hết đều thấy mệt mỏi, da xanh...
|
Bác sĩ đang khám cho các em nữ sinh bị ngất xỉu. |
Hội chứng rối loạn phân ly
BSCK I Vũ Kim Hoàn, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm Thần TPHCM cho biết, các em nữ sinh ở đây có khả năng bị rối loạn phân ly. Cũng có vài trường hợp nghi ngờ bị bệnh động kinh, tuy nhiên để chẩn đoán bệnh động kinh phải đến bệnh viện chuyên khoa và có người chứng kiến cơn động kinh thì mới có thể kết luận chính xác. Tỷ lệ người mắc rối loạn phân ly chiếm 0,3 - 0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành "dịch" trong một tập thể lớn.
Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy các rối loạn phân ly trước hết là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra, cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não... Đặc điểm của rối loạn phân ly là tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Do vậy, khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan.
Trường THPT An Nghĩa có 1.058 học sinh, trong đó có 561 nữ, trong mấy ngày qua đã có 87 em học sinh bị ngất xỉu. Nữ sinh thường có các biểu hiện như sợ hãi, khóc, khó thở, thức ngực, tê cứng chân tay. Thứ hai 5/11, có 51 em ngất xỉu trong và sau giờ sinh hoạt dưới cờ, ngày 6/11 có 13 nữ sinh, ngày 7/11 có 10 nữ sinh. Trường gồm học sinh ở ba xã, năm nay có 47% hộ nghèo nên có nhiều em học sinh cũng không có tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế. |