Tất cả những người chưa bị mắc sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có thể nhiễm sởi. Ở người lớn, dấu hiệu bệnh cảnh rất mờ nhạt thường dễ nhầm lẫn với các sốt phát ban khác.
Đặc biệt, người lớn mắc bệnh sởi, ít gặp các biến chứng về đường hô hấp, tuy nhiên điều nguy hại chính là những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không ai có thể biết để ngăn chặn.
|
Điều trị bệnh nhân mắc bệnh sởi. |
Các chuyên gia y tế cho biết, do quan niệm bệnh sởi chỉ có ở trẻ em làm người lớn thường chủ quan khi mắc bệnh, không có những biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh tốt khi mắc bệnh nên dễ làm lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng.
Người lớn mắc sởi có thể sẽ có một số triệu chứng sau:
1. Sốt
2. Ho khan
3. Chảy nước mũi
4. Mắt đỏ
5. Không chịu được ánh sáng
6. Những nốt nhỏ xíu với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik
7. Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.
Mặc dù sởi không đến mức nguy hiểm như dịch SARS, cúm A H5N1 hay bệnh dại nhưng những biến chứng nặng nề vẫn có thể xảy ra nếu người dân chủ quan. Tất cả người lớn đều có thể mắc nếu chưa từng mắc hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng sởi (tức chưa có được miễn dịch).
Vì thế khi phát hiện bệnh nhân sởi cần cách ly người bệnh; khu vực dân cư có ca dương tính với bệnh sởi qua xét nghiệm huyết thanh học có thể tiến hành tiêm vắc xin đồng loạt cho cả người lớn.
Những ca bệnh nhẹ nên tự cách ly tại gia đình, có chế độ chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân tốt.
Nếu thấy triệu chứng bệnh tiến triển tăng nặng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xấu, thậm chí tử vong.
Theo Tiền Phong