Thời gian gần đây, vắc xin trở thành chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận từ sau vụ việc 4 trẻ sơ sinh ở Việt Nam bị tử vong sau khi tiêm chủng ngừa viêm gan B. Không riêng ở Việt Nam, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng chất lượng vắc xin ngày càng giảm, đã cướp đi không ít sinh mạng.
Chất lượng vắc xin Trung Quốc có vấn đề
Theo tờ Epoch Times, hiện nhiều nhà máy sản xuất vắc xin ở Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chỉ trích của dư luận khi sử dụng hình thức sản xuất vắc xin từ những năm 1960. Các loại vắc xin kém chất lượng này là nguyên nhân của nhiều trường hợp tử vong hoặc bị dị tật suốt đời.
Ông Trần Đào An, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thiểm Tây cho rằng, hiện Trung Quốc vẫn đang sử dụng nhiều loại vắc xin lỗi thời, kém chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều quan chức đã nhúng tay vào điều khiển ngành công nghiệp thuốc, bởi chúng mang lại nhiều lợi nhuận, và vì thế, họ cũng chẳng tội gì phải đầu tư đổi mới.
Không dừng lại ở đó, để tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty sản xuất thuốc trong nước, Chính phủ nước này đã cấm các cơ sở y tế không được phép nhập vắc xin đời mới của nước ngoài, vô hình trung đẩy tương lai của trẻ em vào sự nguy hiểm không lường nổi.
Ông An cho biết thêm, có nhiều sai sót trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, quản lý và tiếp thị các loại vắc xin, hơn nữa, nhiều loại vắc xin đã có mặt theo đường mua bán bất hợp pháp không được kiểm soát.
Bên cạnh đó, Giám đốc trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, Vương Vũ khẳng định, chất lượng một số loại vắc xin không đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe. Những yếu tố này đã làm tăng nguy cơ rủi ro, cướp đi không ít sinh mạng trẻ thơ, hủy hoại cuộc sống của các em.
|
Chất lượng một số loại vắc xin tại Trung Quốc không đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe. |
Trước đó, một vụ làm vắc xin giả gây hậu quả nghiêm trọng đã bị phát hiện tại Trung Quốc tháng 9/2010. Tám người đã bị bắt giữ tại Quảng Tây vì sản xuất và tiêu thụ vắc xin phòng bệnh dại giả mạo gây ra cái chết của một em bé và đe dọa tính mạng hơn 1.000 người khác.
Cơ sở làm vắc xin giả được đặt dưới lòng đất tại thành phố Laibin. Các nghi phạm không bị nêu tên nhưng nhà chức trách phát hiện 1.263 liều tiêm chủng bệnh dại giả và có 1.214 liều thuốc trong số đó đã được sử dụng. Tổng số tiền thuốc được bán với giá khoảng 48.500 USD.
Những vắc xin giả mạo được phát hiện tại 13 bệnh viện và 20 trạm y tế tư nhân trong huyện Xinbin, thành phố Laibin. Cơ quan y tế đã tịch thu tất cả các liều thuốc giả còn lại.
Vụ bê bối vắc xin đã được phát hiện cuối năm 2010, sau cái chết của cậu bé 4 tuổi Ye Xiaojian, đã chết 3 tuần sau khi bị cắn bởi một con chó trong làng. Cha của Ye Xiaojian cho biết cậu bé đã được tiêm phòng 6 mũi vắc xin bệnh dại với số tiền phải trả là 700 nhân dân tệ (khoảng 2,4 triệu VNĐ) tại bệnh viện làng. "Cháu bị sốt cao và không ăn uống sau khi tiêm", người cha buồn rầu nói.
Người Trung Quốc đang nghiêng về vắc xin nhập khẩu
Sau hàng loạt vụ tai nạn do vắc xin kém chất lượng gây ra trong thập kỷ vừa qua, không ít phụ huynh Trung Quốc cảm thấy lo sợ chất lượng chủng ngừa sản xuất trong nước.
Theo tờ Global Time, bà mẹ của đứa con gái 3 tháng tuổi tại Trung Quốc, chị Xiao Jiu đã lựa chọn vắc xin nhập khẩu để tiêm cho con mình. Mặc dù giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với vắc xin nội địa, cô khẳng định không có giá trị nào có thể so sánh được với sự an toàn.
“Tôi đã chọn vắc xin nhập khẩu bởi vì có quá nhiều những vụ tai nạn và sốc phản vệ hay biến chứng dị tật suốt đời do tiêm vắc xin kém chất lượng trong nước gây ra, tôi hy vọng rằng chất lượng vắc xin ngoại này hạn chế tối đa những phản ứng bất lợi cho trẻ”, cô Xiao, người đã chọn tiêm vắc xin nhập cho con mình nói thêm.
Tại Bắc Kinh, nếu cha mẹ là người nước ngoài thì con cái của họ được tiêm vắc xin miễn phí tại các bệnh viện công, theo người phát ngôn Ma Yanming của Sở Y tế Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh người nước ngoài rất phân vân trong việc lựa chọn gói tiêm chủng nội địa hoặc ngoại nhập, Zhang Yonghui, Y tá trưởng tại Bệnh viện Amcare Women's & Children cho hay.
Linh Chi