Dư âm của vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vẫn chưa chấm dứt thì tại Cà Mau, một vụ việc cũng liên quan đến kết quả huyết học vừa bị phanh phui.
Theo thông tin trên báo chí, sự việc kéo dài từ ngày 1/10/2010 đến 6/5/2013, các bệnh viện ở Cà Mau thu chênh lệch hơn 15 tỷ đồng.
|
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau |
Liên quan đến thông tin này, Bác sĩ Châu Quốc Lượng, cán bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước - người nhiều năm đấu tranh về việc thu bất hợp lý này - khẳng định: “Các máy xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Cái Nước không làm được xét nghiệm huyết đồ. Chỉ khi nào thực hiện xét nghiệm phết máu ngoại biên cộng với tổng phân tích tế bào máu ngoại vi mới đúng là xét nghiệm huyết đồ”.
Số lượng, đơn giá và tổng số tiền thực hiện xét nghiệm huyết đồ (từ ngày 1/10/2010 – 6/5/2013) của một số BV tại tỉnh Cà Mau như sau: BVĐK tỉnh Cà Mau có 73.731 lượt xét nghiệm, tổng chênh lệch mức thu: 1,4 tỉ đồng; BV Sản - Nhi có 157.639 lượt, chênh lệch: 3,2 tỉ đồng; BVĐK khu vực Đầm Dơi có 54.392 lượt, chênh lệch: 1,6 tỉ đồng; BVĐK khu vực Trần Văn Thời có 51.539 lượt, chênh lệch: 1,5 tỉ đồng; BVĐK khu vực Năm Căn có 43.074 lượt, chênh lệch: 1,1 tỉ đồng; BVĐK khu vực Cái Nước có 131.316 lượt, chênh lệch: 2,3 tỉ đồng...
Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Huỳnh Quốc Việt thừa nhận: “Đúng là xét nghiệm chưa đến huyết đồ, mà thu tiền huyết đồ”. Còn mục đích sau sai phạm đó thì "không có chuyện chia nhau".
Đứng trên phương diện pháp lý, trả lời báo điện tử Kiến Thức, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh, cho biết, nếu xét trong việc làm trái quy định về thu tiền khám chữa bệnh cho bệnh nhân (trong trường hợp này là, bệnh nhân chỉ xét nghiệm huyết học thông thường mà bệnh viện lại thu tiền theo xét nghiệm huyết đồ - p/v) và tổng số tiền chênh lệch lên đến 15 tỷ đồng, là sai và đủ yếu tố cấu thành tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Tiến, đối với những người trực tiếp chỉ đạo là cấp trưởng khoa hoặc giám đốc bệnh viện thì có thể truy cứu về tội danh cố ý vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo Điều 281 Bộ luật Hình sự.
Còn trong trường hợp người đứng đầu các bệnh viện là giám đốc bệnh viện không chỉ đạo làm nhưng để tình trạng đó xảy ra suốt 2 năm thì có thể truy cứu về tội danh thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Kể cả trong những trường hợp, bệnh viện thu tiền để trang trải cho bệnh viện chứ không dùng vì mục đích cá nhân thì cũng cần phải xem xét vì thứ nhất là sai quy định, thứ hai là làm mất lòng tin đối với bệnh nhân và người dân đối với cơ sở khám chữa bệnh nói chung và nền y tế nói riêng.
Điều 281 Bộ luật Hình sự quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như sau:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Lê Phương