Sản xuất nước ngọt bằng chất cấm
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên thị trường các thành phố lớn không thấy xuất hiện loại nước ngọt siêu rẻ này nhưng tại các chợ vùng quê các loại nước ngọt đóng chai với giá 2.000 đồng/chai nhỏ và 10.000 đồng/chai lớn được bán rất phổ biến.
|
Những chai nước cam "siêu rẻ" được bán phổ biến tại các chợ quê. Ảnh: Thanh Uyên |
Hầu hết người mua và sử dụng loại nước này là những người có thu nhập thấp và không có thói quen tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và chỉ mua vì hợp với túi tiền.
Được biết, những loại nước ngọt này được sản xuất tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội – một nơi chuyên sản xuất các loại đồ uống đóng chai bằng nước giếng khoan, kết hợp cùng chất tạo ngọt Trung Quốc, hương liệu không rõ nguồn gốc.
Mới đây, Đội QLTT số 7, 24 - Chi cục QLTT Hà Nội, Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất ở La Phù đã sử dụng “công nghệ” sản xuất đồ uống từ nước giếng khoan hòa với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola).
Theo trung tá Phạm Giang Sơn (Đội trưởng Đội 6, PC49 Công an Hà Nội), với cách thức của các cơ sở sản xuất nước ngọt ở đây, trung bình cứ 100ml nước cốt đã qua pha chế, hòa với nước giếng khoan, sục qua khí CO2 sẽ cho “ra lò” chai nước ngọt loại 1,5 lít. “Các sản phẩm này sau đó được dán tem nhãn, đóng gói na ná kiểu dáng các sản phẩm mang thương hiệu, song bán ra thị trường với giá chỉ 2.000 đồng. Với “công nghệ” sản xuất thủ công, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này cho “ra lò” 150 lít nước ngọt, tương đương 100 chai loại 1,5 lít”, ông Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm tra còn xác định tất cả chất tạo màu, tạo ngọt, tạo mùi đều mua trôi nổi ngoài thị trường với giá siêu rẻ và không qua kiểm định chất lượng. Đặc biệt, cơ quan kiểm tra còn phát hiện, thu giữ 1 túi đường cyclamate (loại phụ gia không nằm trong danh mục các chất được sử dụng trong thực phẩm, gây hại đến sức khỏe người sử dụng).
Những loại nước ngọt này được bán ở các vùng quê, vùng sâu, vùng xa đều không ghi nhãn mác rõ ràng, thậm chí nếu được ghi rõ ràng “như hàng thật” thì tem nhãn được dán xộc xệch, dễ bong tróc và chữ được in rất nhòe.
Có thể gây độc
Đáng chú ý là trong quá trình sản xuất loại nước ngọt siêu rẻ này, để giảm giá thành, các cơ sở sản xuất sử dụng đường hóa học cyclamate là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước, có thể tạo vị ngọt gấp 30 lần đường sucrose (đường mía).
|
Với kiểu dáng na ná các thương hiệu nổi tiếng, chai cola này được nhiều người mua hơn cả. Ảnh: Thanh Uyên |
Hiện chất này đã bị cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấm sử dụng. Tại Việt Nam, đường cyclamate bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm và khuyến cáo cyclamate có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư và tiểu đường.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, Đại học Y dược TP.HCM, chất cyclamate khi vào cơ thể sẽ được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine, là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi… dị dạng bào thai trên nghiên cứu thực nghiệm ở động vật. Hơn nữa, ngay cả ăn nhiều đường mía cũng không tốt cho sức khoẻ, huống gì đường hoá học. Khi vào cơ thể, các chất tạo ngọt không sinh năng lượng, không mang lại giá trị dinh dưỡng nào mà còn có thể tích luỹ gây độc cho gan, thận...
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Theo Vietq