Theo con số thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã ghi nhận 325 trường hợp mắc viêm não vi rút tại 31 tỉnh, thành phố. Trong đó, tỉnh/thành phố có số ca mắc nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh (44 trường hợp), thành phố Hà Nội (37 trường hợp), Quảng Ngãi (37 trường hợp) …
Trong các bệnh liên quan đến viêm não thì bệnh viêm não Nhật Bản được coi là nguy hiểm nhất. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 21 ca viêm não Nhật Bản rải rác ở 21 xã phường, tăng 17 bệnh nhân so với cùng kỳ năm ngoái, một người tử vong.
Giải thích về nguyên nhân số ca mắc tăng lên ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính là do không tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ.
|
Tiêm phòng vắc xin cho trẻ tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. |
Trước tình trạng gia tăng số ca mắc viêm não Nhật Bản trên địa bản thành phố, ngành Y tế Thủ đô đã tiến hành tiêm miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên.
Đối với những địa bàn có trẻ mắc căn bệnh này, ngành y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho trẻ 1-14 tuổi. Cụ thể, 20 xã phường của 14 quận huyện có nguy cơ cao đã tiêm vào ngày 21/7, với tỷ lệ đạt 92%.
Liên quan đến căn bệnh nguy hiểm này, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Theo ông Phu, bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản được gọi là véc tơ truyền bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Theo đó, đối với trẻ em dưới 5 tuổi : Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi. Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3 đến 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản: Mũi 1: càng sớm càng tốt. Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.