Vô sinh, dậy thì sớm, ung thư vì ống hút độc hại

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin các loại ống hút Trung Quốc được sản xuất từ nhựa phế thải có chứa các chất độc hại có thể mắc bệnh ung thư đã khiến không ít người dân Việt Nam lo ngại.

Lo ngại về nguồn gốc

Khi được hỏi về việc ống hút làm từ phế thải có thể gây bệnh ung thư, nhiều người đang trực tiếp sử dụng ống hút tại các quán nước không khỏi bàng hoàng.

Anh Ngô Quốc Trí (Cầu Giấy – Hà Nội) đang ngồi uống nước trong quán cafe tại Hoàng Quốc Việt bức xúc: “Tôi đã nghe phong thanh về thông tin này, trước uống nước hay mua nước múa, trà sữa về cho con tôi thường xin thêm uống hút nhưng giờ thì không? Dù là mất lịch sự khi cầm cả cốc lên uống còn hơn là dùng những loại uống hút làm từ phế thải bẩn thỉu đó”.

Anh Trí cũng nghi ngờ, các loại ống hút đang được lưu hành ở Việt Nam có nguồn gốc và chất lượng như loại bị phát hiện bên Trung Quốc.

Cùng quan điểm với anh Trí, chị Bùi Thu Thảo cũng cho biết: “Gia đình tôi chẳng bao giờ dùng ống hút cả, không chỉ lo ngại về chất lượng, sợ gây bệnh mà nó còn nguy hiểm trực tiếp với trẻ nhỏ. Thực tế tôi đã từng chứng kiến không ít đứa trẻ bị tai nạn chỉ vì ống hút chọc vào họng đến chảy cả máu”.

Nói về nguồn gốc, chị Thảo chia sẻ: “Tôi nghĩ nhỏ nhặn như cái ống hút thì chắc Việt Nam có thể sản xuất được chứ không phải nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nguyên liệu dùng để sản xuất, chất lượng có đảm bảo không thì cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc để người sử dụng an tâm hơn”.

 Ống hút nhựa chữ Trung Quốc bày bán ở chợ Đồng Tâm, Hà Nội. Ảnh: N.Đan 

Theo khảo sát của PV Kiến Thức, ống hút không nhãn mác đang được bán tràn lan từ các chợ lớn như: Đồng Xuân, chợ Bưởi, Đồng Xa … cho đến những quán tạp hóa trong các khu chung cư, ngõ phố...

Theo lời một chủ hàng bán đồ tạp phẩm tại chợ Đồng Xuân thì rất khó phân biệt ống hút Việt Nam và ống hút Trung Quốc nếu bóc nhãn vì hai loại này đều nhiều màu sắc, không ghi nơi sản xuất. Để phân biệt thì chỉ có cách nhìn vào giá, vì hàng Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn hàng Việt Nam vài ngàn đồng/ túi.

Ống hút chứa chất độc có thể gây vô sinh

Theo nhiều chuyên gia y tế và thực phẩm, nhiều loại ống hút chứa chất độc có thể hòa tan vào đồ uống và đi trực tiếp vào cơ thể. Đó là chưa kể đến nhiều cơ sở sản xuất dùng phẩm màu công nghiệp tạo màu cho sản phẩm, khi sử dụng rất dễ bị thôi nhiễm, nếu sử dụng lâu dài những sản phẩm này có thể bị bệnh tiêu hóa, dậy thì sớm, vô sinh, thậm chí ung thư.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP Nghệ An cho biết, ống hút không đạt tiêu chuẩn có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, gan, làm dậy thì sớm ở trẻ em, thậm chí là vô sinh hoặc ung thư do chúng thường thải ra chất độc và thẩm phai vào thức ăn, đồ uống nếu tiếp xúc với thức ăn, đồ uống nóng. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất trong nước sản xuất ống hút làm bằng nhựa phế thải, không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. 

 Sử dụng ống hút không nhãn mác rất nguy hiểm.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), các loại ống hút thực tế là làm từ nhựa polymer được tổng hợp từ các monomer. Trong đó monomer là những chất rất độc hại, chúng hoàn toàn có khả năng hòa tan trong nước và các thực phẩm nóng nên dễ dàng đi vào cơ thể.

Nguy hiểm hơn là việc sử dụng nhựa tái chế để làm ống hút, vì như vậy nhựa sẽ bị phân giải nhanh hơn và giải phóng ra nhiều chất độc monomer hơn. Theo ông Thịnh, dưới bất kỳ cách thức nào loại nguyên liệu này cũng không thể sử dụng để tái chế những dụng cụ liên quan đến miệng, mắt và mũi như: ống thở oxy, ống hút hay kể cả là kính.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, việc sản xuất các loại đồ dùng liên quan đến ăn uống như ống hút phải lựa chọn rất kỹ lượng về nguồn nguyên liệu vì ngay cả nhựa nguyên sinh cũng chưa chắc đã phù hợp tiêu chuẩn khi sản xuất. “Cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng ống hút là trực tiếp người sử dụng phải tinh mắt, quan sát kỹ nơi sản xuất đồ dùng, thành phần hóa học ghi trên vỏ bao bì sản xuất, chứ không nên vì ham rẻ mà mua những loại đồ dùng, nhất là đồ nhựa không rõ nguồn gốc”, ông Thịnh cho hay.
Anh Đào