Vòng 3 “quá khổ” dễ mắc bệnh gì?

Google News

(Kiến Thức) - Trước đó, các nhà khoa học cho rằng những người có vòng 2 to có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường cao.

Chất béo vùng mông không gây hại: chỉ là lầm tưởng

Những người có "thân hình trái táo" (chất béo tích tụ ở vùng bụng) từ lâu đã được cho rằng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường cao hơn những người có "thân hình trái lê" (số đo vòng 3 lớn nhất). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết điều này có thể là một sai lầm.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California, Davis (UC Davis) tại Mỹ phát hiện ra lượng chất béo tích trữ ở vòng 3 sản ra nồng độ bất thường của 2 loại protein, có thể gây viêm và kháng insulin. Trong khi đó, đây lại là những yếu tố ban đầu gây ra bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism và được Hiệp hội Nghiên cứu về tiểu đường Mỹ American Diabetes Association hỗ trợ.

- TS Ishwarlal Jialal, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Từ lâu các nhà khoa học đã cho rằng chất béo ở vùng bụng gây hại nhiều nhất cho sức khoẻ, còn chất béo ở mông sẽ bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và hội chứng chuyển hoá. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp xoá tan hiểu lầm rằng chất béo ở vùng mông không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ protein bất thường là dấu hiệu ban đầu của hội chứng chuyển hoá".

Ảnh minh họa. 

Những điều chưa biết về hội chứng chuyển hoá

Hội chứng chuyển hóa là thuật ngữ dùng để chỉ những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hội chứng chuyển hoá ảnh hưởng tới 35% số người Mỹ trên 20 tuổi. Nhắc đến hội chứng chuyển hoá thì không thể không nhắc đến 1 nhóm các yếu tố nguy cơ tập hợp lại trên một người bệnh, làm tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh tim và tăng ít nhất 5 lần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm việc có 1 vòng eo lớn, nồng độ cholesterol "tốt" thấp, huyết áp cao, kháng insulin và nồng độ chất béo trung tính cao. 

Để tiến hành nghiên cứu, Jialal và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 1 nhóm gồm 45 bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hoá giai đoạn đầu (có ít nhất 3 yếu tố nguy cơ trên). Ngoài ra, còn có 1 nhóm gồm 30 người có ít hơn 2 yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hoá, với nồng độ glucose và chất béo trung tính bình thường. Cả 2 nhóm này đều có cùng độ tuổi và giới tính.
Các nhà khoa học đã đo nồng độ lipit, hàm lượng glucose trong máu và huyết áp, đồng thời đo nồng độ 4 loại protein trong huyết thanh và trong mẫu mô ở mông.

Kết quả, chất béo ở mông làm tăng nồng độ protein chemerin ở những người bị hội chứng chuyển hoá giai đoạn đầu. "Nồng độ chemerin cao có mối tương quan với 4 trong số 5 dấu hiệu của hội chứng chuyển hoá, đồng thời cũng là dấu hiệu đáng lo ngại của hội chứng này", Jialal giải thích. Điều này có liên quan tới huyết áp cao, nồng độ cholesterol "tốt" thấp và làm giảm nồng độ protein omentin-1, từ đó làm tăng hàm lượng glucose trong máu.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Ngọc Anh (Theo Mail)