Nguy cơ cao nếu giãn cách thất bại
Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 tại TP HCM hôm nay (18/6) bước sang ngày thứ 19, cũng là ngày thứ 4 của đợt giãn cách thứ 2. Như vậy, chính quyền TP lớn nhất cả nước chỉ còn 10 ngày nữa để thực hiện quyết tâm khống chế dịch COVID-19, khi diễn biến vẫn còn rất phức tạp.
Theo ghi nhận, đến tối 17/6, TP có thêm 137 ca trong 24h qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 của lần thứ 4 này lên gần 1.200, phủ khắp 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Những ngày trước đó đều ghi nhận, mỗi ngày TP có thêm khoảng 100 ca, thường xuyên cao nhất, nhì cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Trước diễn biến đó, chiều 16/6, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cắt cử Phó chủ tịch Dương Anh Đức tạm thời không làm những việc khác, chỉ tập trung công tác phòng, chống dịch.
Trở về từ tâm dịch Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng tiếp tục vào TP HCM làm Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ để hỗ trợ.
|
Lấy mẫu xét nghiệm tại quận 4. Ảnh: HCDC |
Nhận định về tình hình tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, hai tuần tiếp tục giãn cách là cơ hội cũng là thách thức.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc khống chế dịch chỉ thực hiện được khi TP HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp giãn cách xã hội nghiêm túc, cạnh các chiến thuật về khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm phù hợp.
Nếu để mọi người tiếp xúc không giữ khoảng cách, tụ tập đám đông, các phương tiện công cộng vẫn lưu thông vận chuyển một cách bừa bãi, thì chắc chắn đó không phải là cơ hội nữa mà là nguy cơ càng cao.
Tối 17/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) nhận định, sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng (với gần 500 ca), TP phát hiện thêm 6 chuỗi lây nhiễm mới có số lượng người nhiễm bệnh cao
Theo HCDC, khi có nhiều ca mắc mới không rõ nguồn lây mỗi ngày, những người ta tiếp xúc hằng ngày đều có thể là F0 hoặc chính chúng ta là F0 lây nhiễm cho người khác.
Nhiều ca COVID-19 được phát hiện rất hy hữu như hai mẹ con bán trái cây gần Công ty PouYuen (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau khi bị tai nạn giao thông.
Hay mới đây trong lúc giao hàng, tài xế Grab thấy khu vực lấy mẫu xét nghiệm nên tấp vào xếp hàng lấy mẫu và nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2...
Những chuỗi mới phát hiện gần đây đang có nhiều chiều hướng phức tạp như: chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân), xưởng cơ khí Hóc Môn, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM... với khoảng 600 ca bệnh.
|
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tạm thời bị phong tỏa vì có 60 nhân viên dương tính với nCoV. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Chiều 17/6, Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức đi kiểm tra đột xuất về công tác phòng, chống dịch ở một số khu vực cách ly như chung cư Ehome 3, khu dân cư Nam Long (quận Bình Tân), chung cư Mỹ Phúc (quận 8).
Chuỗi lây nhiễm tại khu dân cư Ehome 3 (giáp ranh Bình Tân và quận 8), cũng có bệnh nhân lên quan đến chuỗi Gò Vấp, đến nay đã có hơn 80 ca được xác định từ 2 trường hợp đến khám sàng lọc tại bệnh viện.
Hiện quận Bình Tân đã phong tỏa tạm thời toàn bộ chung cư này với 14 block, hơn 7.000 cư dân để lấy mẫu xét nghiệm.
Cũng tại quận này, ngoài chung cư Ehome 3, những ngày qua liên tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng liên quan Công ty PouYuen, Công ty thực phẩm Trung Sơn.
Tối 17/6, phát hiện thêm 24 công nhân làm việc tại Công ty thực phẩm Trung Sơn, KCN Tân Tạo dương tính với nCoV. Trước đó, công ty này bị phong tỏa do có hai ca mắc COVID-19 khi đi khám sàng lọc tại cơ sở y tế ở phường An Lạc.
Ngoài ra, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp cũng cho biết, có 6 nhà máy thuộc địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Củ Chi bị phong tỏa vì liên quan đến các ca nhiễm nCoV.
Đánh giá việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều nơi chưa nghiêm, chiều 16/6, lãnh đạo TP ra văn bản khẩn chỉ đạo các địa phương tăng cường nhắc nhở và xử phạt người vi phạm quy định phòng chống dịch.
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM chiều 17/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lực lượng chống dịch của TP khẩn trương điều tra dịch tễ, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô để khoanh vùng thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khoanh rộng mà bên trong không chặt thì không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà chống dịch cũng sẽ rất khó khăn. Do đó, những khu vực có nguy cơ thì phải siết chặt hơn nữa, không để tình trạng còn có tập trung đông người như nhân dân đã phản ánh.
“Tinh thần là không cào bằng hết tất cả, vì chúng ta phải phục vụ mục tiêu kép, kể cả trong chống dịch”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Vượt 1.000 ca bệnh, ngưỡng để thay đổi kịch bản
Nói về ngưỡng ca bệnh vượt 1.000, đòi hỏi TP HCM phải chuyển đổi sang kịch bản chống dịch khác, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, ghi nhận hơn 1.000 ca, ngành y tế phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống 5.000 ca. Khi gần đến 5.000 ca lại phải chuẩn bị cho phương án 10.000 ca.
Theo ông Sơn, mọi phương án đã có, nếu trên 1.000 ca bệnh nhưng vẫn nằm trong khống chế thì không phải tăng mức độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tùy vào tình hình thực tiễn sẽ đưa ra quyết định phù hợp nhất, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển được kinh tế - xã hội.
|
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Ông Sơn đánh giá, hiện các chuỗi lây nhiễm lớn ở TP cơ bản được kiểm soát, các ca cộng đồng thì truy sớm, khoanh vùng nhỏ từng thôn, xóm, khu nhà... Chiến lược này đang đáp ứng tốt.
Về năng lực điều trị ông Sơn cũng nhận định, TP hoàn toàn có thể đáp ứng được việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân từ nhẹ đến nặng. Ngành y tế đã chuẩn bị được 2.500 giường ở 8 bệnh viện, sắp tới tăng lên 3.500 giường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, mặc dù năng lực xét nghiệm của TP HCM rất tốt so với các tỉnh, nhưng với dân số 10 triệu người, có rất nhiều KCN, TP phải có phương án tăng cường công suất xét nghiệm trong tình huống dịch xuất hiện trong KCN.
Khi Phó Thủ tướng yêu cầu TP khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thí điểm cách ly các trường hợp F1 tại nhà thì Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo, việc này sẽ bắt đầu từ 18/6.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng thông tin, dự kiến TP sẽ thành lập khoảng 100 đoàn để kiểm tra tất cả các nhà máy, DN hoạt động trong KCN.
Từ 18/6, thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời tổ chức rà soát để bảo đảm an toàn trong khu cách ly tập trung, chống lây nhiễm chéo; tăng cường tiến hành rà soát ngoài cộng đồng, các KCN.
Liên quan đến việc TP vừa tiếp nhận 836.000 liều vắc xin của AstraZeneca, ông Dương Anh Đức cho biết: “TP HCM đã họp, lên phương án xác định các đối tượng ưu tiên, kế hoạch tiêm; phấn đấu mục tiêu năng suất tiêm cho 200.000 người/ngày, dự kiến từ ngày 19/6; đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu đơn/ngày”.
Theo Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong, chính quyền TP chấp nhận hy sinh những lợi ích ngắn hạn của kinh tế để tập trung, quyết tâm không chế dịch COVID-19.
Do đó, toàn bộ hệ thống chinh trị TP phải đặt quyết tâm cao nhất, đề ra những giải pháp thiết thực nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới.
TP HCM đang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 14 ngày, kể từ ngày 14/6 để phòng chống COVID-19 trước nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trước đó, khi phát hiện ổ dịch tại điểm sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp, TP đã giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc giãn cách theo Chỉ thị 16.
Theo Đức Bảo/ Vietnamnet