Khi người bệnh đi khám hoặc cấp cứu vì các triệu chứng ở phổi (tức ngực, khó thở...), qua thăm khám, bác sĩ đã có định hướng chẩn đoán. Tuy nhiên, để xác định rõ chẩn đoán, thường bác sĩ sẽ phải cho bổ sung một số xét nghiệm như chụp X-quang, siêu âm phổi, nội soi phế quản...
Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung các xét nghiệm cần thiết chứ không phải cho làm cùng lúc tất cả các xét nghiệm. Chụp X-quang phổi là điều thường phải làm vì hình ảnh X-quang sẽ cho thấy rõ hình ảnh tràn dịch ở vùng đáy phổi của một bên lồng ngực. Trong trường hợp khối lượng dịch tràn nhiều, có thể thấy hình ảnh khí quản và trung thất bị đẩy lệch sang phía đối diện với bên màng phổi bị tràn dịch.
|
Ảnh minh họa |
Siêu âm phổi cho phép phân biệt giữa tràn dịch khu trú và một khối u, đồng thời siêu âm cũng được sử dụng trước và sau mỗi lần chọc hút dịch hoặc sinh thiết màng phổi để định vị rõ vị trí tràn dịch, giúp cho việc tiến hành thủ thuật được chính xác. Xét nghiệm tổ chức học qua bệnh phẩm sinh thiết màng phổi, xét nghiệm tế bào, sinh hóa và vi khuẩn học dịch màng phổi... giúp việc xác định bệnh nguyên ủy gây ra tràn dịch. Ngoài ra, còn có một số xét nghiệm khác như test tuberculine, nội soi phế quản... giúp việc chẩn đoán chính xác hơn.
Khi đã chẩn đoán đúng bị tràn dịch màng phổi, việc điều trị sẽ tùy vào nguyên nhân gây ra. Bị tràn dịch màng phổi, nếu do nhiễm khuẩn thì chủ yếu là phải sử dụng kháng sinh; nếu do lao thì phải dùng kháng sinh đặc hiệu chống vi khuẩn lao. Nếu do ung thư thì biện pháp điều trị là hóa trị liệu bằng các hóa chất chống ung thư.