Người dân bức xúc
Bà Nguyễn Thị Ngải, cán bộ hưu trí ở ngõ Phủ (ngõ 111), đường Nguyễn Phong Sắc, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bác Ngải cho biết: “Từ trước đến nay, ngành y tế vẫn luôn bị người dân phản ánh, báo chí theo dõi vì đây là một ngành luôn luôn “nóng” và thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Chính tôi, khi đi khám chữa bệnh cũng phải cắn răng chịu đựng nhiều điều, nhưng mình vẫn cứ nghĩ thôi thì người ta cũng làm việc, mà làm y thì cẩn thận như thế là tốt, đợi một lát cũng không sao.
Tuy nhiên, sau sự vụ ăn bớt vắc xin, làm giả giấy xét nghiệm trong thời gian qua thực sự khiến không chỉ tôi mà cả dư luận xã hội phải bàng hoàng. Không biết giờ các bác sĩ nghĩ gì và làm gì cũng như học được những gì trong trường mà lại làm những việc chết người như vậy. Có lẽ giờ nên đổi hai chữ y đức của ngành y thành hai chữ …y ức có lẽ hợp hơn”.
Bác Ngải giải thích, gọi là “y ức” tại vì bác sĩ mà làm những việc “bất nhân” như nhân bản giấy xét nghiệm, ăn bớt vắc xin thì làm gì có y đức mà những việc đó chỉ mang lại những cái chết oan ức cho người dân.
Cũng giống như bà Ngải, bà Phạm Thị Uyên, một người dân gốc Hà Nội (ở ngõ 225, đường Bờ sông Quan Hoa, quận Cầu Giấy) bức xúc cho biết: “Những việc làm của các cán bộ ngành y trong thời gian vừa qua là không thể chấp nhận được”.
|
Bà Phạm Thị Uyên bức xúc khi nói về những sai phạm của ngành y trong thời gian gần đây. |
“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, ngành y tế trong thời gian qua đã để xảy ra hàng loạt các vụ việc nguy hiểm “chết người” như: 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin, ăn bớt vắc xin và gần đây nhất là vụ nhân bản giấy xét nghiệm. Là một người dân, cho đến giờ phút này tôi thật sự mất lòng tin và ngành y tế. Nếu cho tôi đi làm xét nghiệm, có lẽ tôi phải xét nghiệm vài ba chỗ cho yên tâm”, bà Uyên nói.
Theo bà Uyên, để xảy ra những vụ việc như trên thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về những người lãnh đạo cấp trên, chính vì không kiểm tra, chỉ đạo sát sao thì mới để xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy.
Liên quan đến vụ nhân bản giấy xét nghiệm vừa qua, bà Uyên kiến nghị, các cơ quan phải mạnh tay hơn nữa với các cá nhân liên quan đến sai phạm, chứ cứ làm sai lại đình chỉ, rồi lại sai thì có lẽ sẽ không bao giờ hết bê bối và không có tính răn đe.
Liên tục “nhân bản” sai phạm
Những vụ việc xảy ra cấp tập trong vài tháng qua khiến không chỉ có hai phụ nữ trên mà còn khiến rất nhiều người bức xúc và mất lòng tin vào ngành y hiện nay. Thậm chí, một lãnh đạo bệnh viện cấp huyện của thành phố Hà Nội cũng phải thốt lên rằng: “Không hiểu ngành y giờ sẽ phải xoay sở ra sao sau vụ việc này, sai phạm thì ai cũng mắc phải nhưng ở một chừng mực nào đó thì vẫn có thể “tặc lưỡi” là xong, nhưng dám nhân bản giấy xét nghiệm thì không thể chấp nhận được. Đây sẽ là vết nhơ không thể gột rửa của ngành y, vì tiền sử chưa từng xảy ra trên thế giới”.
Trong vòng chưa đầy một tháng qua, ngành y đã để xảy ra liên tục 3 vụ việc lớn, mà Bộ Y tế phải chỉ đạo “hỏa tốc” là phải điều tra ngay. Thậm chí có những vụ việc cơ quan công an điều tra phải vào cuộc.
Còn nhớ cách đây gần một tháng, tại tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong cùng một lúc sau tiêm vắc xin làm dư luận cả nước hết sức hoang mang. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã vào cuộc điều tra nguyên nhân, đồng thời phối hợp cả với cơ quan công an để làm rõ, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân của vụ việc mới chỉ dừng lại ở: sốc phản vệ sau tiêm. Người dân chỉ còn biết trông ngóng kết quả kiểm nghiệm mẫu vắc xin đã được gửi ra nước ngoài.
Cũng liên quan đến vắc xin, trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy ra vụ việc ăn bớt vắc xin nghiêm trọng, tuy nhiên hình thức xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức đình chỉ công tác, sau đó là buộc thôi việc cá nhân liên quan.
Tiếp theo, trong đầu tháng 8/2013, tại bệnh viện Trung ương Cần Thơ đã xảy ra vụ việc đau lòng dẫn đến cái chết của sản phụ và thai nhi. Ngay sau vụ việc, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và yêu cầu Hội đồng chuyên môn của bệnh viên xác định nguyên nhân tử vong của 2 mẹ con sản phụ Trần Thị Phượng để có kết luận và hướng giải quyết, trả lời gia đình và công luận.
|
Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm gây chấn động dư luận. |
Tuy nhiên, khi các vụ việc trên chưa có kết luận cuối cùng thì tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức lại xảy ra chuyện động trời, đó là, nhân bản kết quả xét nghiệm đối với bệnh nhân. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu cần làm rõ thực hư sự việc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để điều tra.
Như vậy, trong một thời gian rất ngắn, từ những "tội", lỗi rất nghiêm trọng của một số cá nhân, tập thể, ngành y tế đang phải "oằn mình" gánh tiếng xấu trước dư luận.
Làm thế nào để các "lương y" lấy lại hình ảnh đẹp trong mắt người dân vẫn còn là câu hỏi lớn đối với ngành y tế, ít nhất trong năm nay. Và, dư luận có quyền được trả lời bằng những hành động cụ thể trong thời gian tới.
Lê Phương