Những lý giải khoa học về chỉ số Bovis

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ số Bovis là gì mà nó có khả năng tác động đến cuộc sống, sức khoẻ của con người?...

Chỉ số Bovis là gì mà nó có khả năng tác động đến cuộc sống, sức khoẻ của con người? Nguồn năng lượng của chỉ số Bovis đo bằng con lắc, đũa L có đảm bảo độ tin cậy?
Chỉ số của năng lượng sinh học
BS Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa Sinh học, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM cho biết, chỉ số Bovis là chỉ số năng lượng sinh học do một nhà vật lý nổi tiếng đồng thời là nhà cảm xạ, một nhà năng lượng cảm ứng giỏi của thế kỷ XX người Pháp là Antoine Bovis trong những năm 1930 khi tiến hành khảo sát kim tự tháp Ai Cập tìm ra. Từ đó, việc đo chỉ số năng lượng sinh học được gọi là đo chỉ số Bovis - theo tên của nhà vật lý này. Công cụ để đo chỉ số Bovis là các dụng cụ cảm xạ như đũa Michel, đũa L và con lắc.
BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long Võ đạo, người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng cho hay, chỉ số Bovis là chỉ số dùng để đo năng lượng sinh học (NLSH) của người, động thực vật hay địa sinh học do nhà vật lý, nhà NLSH Antoine Bovis tìm ra. Ông đã lập ra chỉ số này để đo NLSH của người và địa sinh học với hai cách đo khác nhau: Chỉ số đo năng lượng địa sinh học từ 0 - 20.000 đơn vị Bovis; chỉ số đo năng lượng người và động vật từ 0 - 400.000 đơn vị Bovis. Đây là những chỉ số cơ bản vào thế kỷ XIX - XX. 
Bước sang thế kỷ XXI, các chuyên gia cảm xạ học và NLSH trên thế giới như Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Mỹ, Ba Lan, Bỉ... đã nghiên cứu NLSH trên hàng triệu con người và thấy rằng, chỉ số đo NLSH ở người cần áp từ 0 - 100.000 Bovis. Ở những người có NLSH đặc biệt thì chỉ số này được sử dụng từ 0 - 1.000.000 Bovis. Với những nơi có chỉ số năng lượng địa sinh học đặc biệt, sẽ lấy chỉ số từ 0 - vô cực.
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA cho biết, để thuận tiện cho việc đánh giá độ tương tác giữa cơ thể sinh học và môi trường, các chuyên gia nghiên cứu cảm xạ học đã đưa ra một khái niệm đặc trưng gọi là "năng lượng sinh học" và chọn "chỉ số Bovis" là thông số cơ bản của đại lượng đó. Theo ý tưởng này thì chỉ số Bovis có thể mô tả được "tình trạng sức khoẻ, năng lượng của vật thể hữu cơ, năng lượng và sóng dao động của môi trường địa lý tự nhiên và gọi năng lượng này là "biophoton" tức là năng lượng siêu hình mà mắt thường không nhìn thấy được. Thứ năng lượng này là cần thiết để duy trì sự sống trên quả đất. Các nhà nghiên cứu cảm xạ cho rằng mình đã "thực hiện một phương pháp rất hiệu quả đó là phương pháp lập trình hệ thống cảm nhận năng lượng chính xác tối đa...". 
Ở nước ngoài, do việc  tuyên truyền cho "công năng" của máy đo Bovis là rất thần hiệu nên bán khá đắt, do vậy các chuyên gia nghiên cứu mới sáng chế ra một số dụng cụ và thiết bị để thay thế như dùng con lắc, cảm xạ đồ, Hào Quang Phổ... rồi dựa vào đó mà suy luận ra "chỉ số Bovis"... Cũng theo khái niệm của những người nghiên cứu, chỉ số Bovis càng lớn càng tốt và như vậy chỉ số Bovis sẽ tỷ lệ thuận với năng lượng sinh học. 
Người dùng con lắc đo năng lượng sinh học được chính xác cần phải có trực giác bẩm sinh hoặc luyện tập công phu. 
Không dễ đo được chỉ số Bovis
Trước câu hỏi hiện nay có nhiều người dùng con lắc và đũa L để đo năng lượng, BS.VS Nguyễn Văn Thắng cho biết, để đo được nguồn NLSH này, con người cần phải có trực giác bẩm sinh hoặc luyện tập công phu thì đo được chính xác nguồn năng lượng này - năng lượng "biophonton" tức năng lượng ánh sáng mắt thường không nhìn thấy được. Tuy nhiên, muốn đo chính xác bằng phương pháp trực giác (intnition) các chuyên gia cảm xạ học hoặc NLSH phải đưa cơ thể vào trạng thái vô thức hoàn toàn và điều đó khiến cho việc dùng con lắc và đũa L để đo chỉ có một tác dụng nhất định, độ chính xác không cao bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái tâm thức của người đo. 
BS Dư Quang Châu cũng khẳng định, muốn đo chính xác chỉ số Bovis, người đo phải đạt được trạng thái vô thức hay còn gọi là trạng thái có sóng não Alpha dao động trong khoảng 7,8 - 8 chu kỳ/giây. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu bị nhiễm tư duy, tương tự như hiện tượng tự kỷ ám thị thì việc con người sử dụng các dụng cụ cảm xạ đo chỉ số Bovis sẽ không chính xác.
Khái niệm và định tính không đủ độ tin cậy
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, dù chỉ số Bovis đã được các nhà nghiên cứu khéo léo chía bảng với những số liệu cụ thể, rồi phân định mức độ ảnh hưởng xấu tốt cho từng khoảng số liệu và lập ra cái máy gọi là "Bovis kế" (là máy đo cường độ Bovis), nhưng khái niệm về chỉ số là một chuyện, còn "độ tin cậy của khái niệm" lại là chuyện khác, bởi nó còn phụ thuộc vào bản chất thông số đầu vào của phép đo chứ không hề phụ thuộc vào khái niệm mà người ta gán cho nó. 
Ví dụ, với nhiệt kế, khi ta tăng nhiệt độ lên thì lập tức chỉ số trong nhiệt kế tăng (như vậy thông số "đầu vào" của nhiệt kế là nhiệt độ); hoặc với vôn kế, khi ta thay đổi điện thế thì kim chỉ giá trị của vôn kế cũng thay đổi (như vậy thông số "đầu vào" của vôn kế là hiệu điện thế)... Còn "năng lượng kế" hoặc "Bovis kế" thì thông số "đầu vào" của nó mới dừng lại ở mức độ khái niệm chung chung về "NLSH", chứ chưa chỉ ra thông số đặc trưng riêng là gì. Trong vũ trụ, có hàng ngàn hàng vạn loại năng lượng liên quan đến sinh học, vậy ta lấy chỉ tiêu nào là "đại lượng đặc trưng cơ bản", hoặc lấy đại lượng nào là thông số "đầu vào" của Bovis kế?
Khi khám sức khoẻ, người ta đưa ra các thông số gồm điện tim, nhịp thở, huyết áp, tốc độ máu đông, nồng độ các vi lượng trong máu, thị lực... chứ không thể chia ra "chỉ số sức khoẻ là bao nhiêu độ" được, bởi vì không thể kết luận võ sĩ đấm bốc có "chỉ số sức khoẻ" lớn hơn vận động viên điền kinh, hoặc khoẻ hơn VĐV thể dục dụng cụ hoặc VĐV bơi lội được, cũng như không thể nói rằng người nặng 100kg có "chỉ số sức khoẻ" hơn người nặng 50kg được... Người ta chỉ có thể nói: Khi đấu vật, anh A vật giỏi hơn anh B, khi chạy hoặc khi bơi  anh A nhanh hơn anh B, khi lặn thì anh A lâu hơn anh B, thị lực thì anh A nhìn xa và rõ hơn anh B, hoặc chỉ số IQ của anh A lớn hơn anh B... chứ không thể nói chung chung rằng "anh A có chỉ số sức khoẻ lớn hơn anh B" được.
Cũng vậy, ta không thể nói "NLSH của anh A lớn hơn anh B" được, bởi vì chúng ta chưa làm rõ được thông số đầu vào của cái gọi là "năng lượng kế sinh học" đó là tượng trưng cho những đại lượng gì, đặc tính ra sao và lấy trạng thái gì làm gốc tọa độ chuẩn? Còn nói về việc vị trí địa lý "có lợi cho sức khoẻ" thì cũng mới nói chung chung, mà chưa giải quyết được tình huống có những vị trí thì lợi cho sinh vật này, nhưng lại hại cho sinh vật khác, ví dụ như miền núi cao thì phù hợp cho người huyết áp thấp nhưng lại không phù hợp cho người huyết áp cao... 
Tương tự với động và thực vật có lợi cho loài này nhưng có hại cho loài khác... vậy lấy gì làm tiêu chuẩn, lấy gì làm mô duyn cho "cái gọi là NLSH"  để đưa vào làm thông số cho "năng lượng kế" đây? Chính vì vậy, cái gọi là "chỉ số Bovis" chưa được đưa vào hệ thống chỉ tiêu sinh hóa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và cũng không hề được đưa vào chỉ tiêu đánh giá sức khoẻ trong hồ sơ khám sức khoẻ hoặc trong bệnh án. Như vậy, "chỉ số Bovis" chỉ là khái niệm mang tính nghiên cứu, nó mới ở mức ý tưởng và định tính, chứ chưa thể lượng hóa được.
TS Vũ Thế Khanh nhấn mạnh, việc nghiên cứu để hoàn thiện dần các chỉ tiêu định tính của cảm xạ học thì cứ việc tiến hành và nó chẳng có gì là sai. Nhưng việc lượng hóa một đại lượng vốn đã là một sự tương đối lại bằng một phương pháp cũng rất tương đối nữa (tức là bình phương của sự tương đối) thì tự chúng ta đã hình dung ra cái mức độ tin cậy là thế nào rồi. 
"Chúng ta không nên phủ định những điều chúng ta chưa biết, nhưng cũng không nên quá tin vào những hiện tượng mà chính chúng ta đã tự biết những cái chưa hợp lý đang tiềm ẩn trong bản chất của hiện tượng đó. Việc định lượng các thông số mang tính đặc trưng của cảm xạ học là việc làm cần thiết. Nhưng cần phải vượt qua những định kiến, những lối mòn ảo tưởng và đặc biệt là đừng tuyệt đối hóa những cái mà ta chưa thực sự kiểm chứng".
TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA) 
Thúy Nga