“Sơ cứu ngộ độc thực phẩm ở trẻ em cần đặc biệt lưu ý, bởi nếu sơ cứu không đúng cách, trẻ có thể bị sặc, ngạt nước dẫn đến ngừng thở”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Viện Nhi Trung ương cho biết.
Khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Khẩn trương gây nôn cho trẻ, nôn càng nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn.
Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng gây nôn cho trẻ, người lớn phải lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng trẻ.
Đặc biệt, đặt trẻ nằm ở tư thế nào trước khi gây nôn là rất quan trọng. Phải để trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Trong quá trình gây nôn phải luôn phải khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.
Khi nôn, trẻ hay bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Do bị đi ngoài liên tục nên cơ thể trẻ bị mất nước, cần bổ sung orezol để bù lại lượng nước đã mất và nên nhớ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thức ăn, không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần thức ăn bị phân hủy hết là bệnh sẽ khỏi.
(Theo Dân trí)