Cuộc đời thăng trầm của cựu phóng viên chiến trường “Người đẹp thuốc nổ“

Google News

Bà là Nguyễn Thị Xuân Phượng, cựu phóng viên chiến trường, người được biết tới với biệt danh “Người đẹp thuốc nổ” đã sống một cuộc đời đầy thăng trầm, kỳ lạ và oanh liệt.   

Người đẹp…. thuốc nổ
Cựu nhà báo, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929, trong một gia đình hoàng tộc ở Huế. Khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, bà trốn gia đình theo cách mạng. Lúc đó mới 16 tuổi.
Cuoc doi thang tram cua cuu phong vien chien truong “Nguoi dep thuoc no“
 Người đẹp chất nổ Nguyễn Thị Xuân Phượng. 
Bà kể, ngày ra đi hành trang chỉ có 1 đôi sandal, 1 bộ quần áo, ra đi kháng chiến đúng là vô sản, còn sống ở nhà là hoàng tộc, tư sản. Ngày đó, trong sáng như pha lê, bà chỉ nghĩ: Đi là để bỏ kiếp nô lệ. Và xác định đã đi là đi đến cùng…
Biệt danh “Người đẹp thuốc nổ” gắn với bà Nguyễn Thị Xuân Phượng bởi một công việc rất đặc biệt, chế tạo thuốc nổ, thuốc súng.
Đó là khoảng tháng 7/1947, Bộ Quốc phòng trên Việt Bắc tìm người biết tiếng Pháp vào Nha nghiên cứu kỹ thuật Bộ Quốc phòng (NCKT). Cấp trên bảo: Cách mạng đang thiếu vũ khí, cần phải chế tạo chất nổ.
Thế là bà và đồng đội, dựa theo 1 cuốn sách dạy chế tạo thuốc nổ ở Pháp để làm. Bấy giờ, mỗi người có 1 bàn, dưới chân bàn là 1 hầm. Trên pha thuốc, thấy lóe lửa, là hất khay thuốc xuống hầm. Hồi đó, bà phụ trách một tổ Pulmynate (thuốc làm kíp nổ), 2gr = 1 mạng người và bà làm cả ký lô.
Bác sỹ và nhà báo
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên, do cấp trên phân công, bà Xuân Phượng được cử đi học y sĩ cao cấp. Sau, chuyển về làm việc tại Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, phụ trách phòng y tế, chăm sóc sức khỏe các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam. Nhờ thế mà bà được tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia, nhà báo quốc tế.
Cuoc doi thang tram cua cuu phong vien chien truong “Nguoi dep thuoc no“-Hinh-2
Bà Xuân Phượng cùng đoàn làm phim Vĩ tuyến 17. 
Năm 1967, do giỏi tiếng Pháp, bà được giao trọng trách chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens và Marceline Loridan khi họ làm phim tại Vĩnh Linh.
Sau chuyến đi, bà được đạo diễn Ivens tâm sự, nữ bác sĩ thì nhiều nhưng tìm một nữ làm phim tài liệu thì hiếm. Qua mấy tháng đi với nhau, vị đạo diễn thấy bà Xuân Phương có khả năng nên khuyên chuyển làm phóng viên chiến trường.
Thời điểm đó bà 37 tuổi, công việc lại ổn định, lương cao, chuyển sang làm phóng viên chiến trường là trở về lương khởi điểm, bằng chị lao công.
"Nhưng tôi thấy ngày nào Mỹ cũng đánh bom, dân khổ quá, phải có người xông pha vào chỗ khó khăn để phản ánh, để cho quốc tế biết tội ác của đế quốc Mỹ…", bà tâm sự và quyết định làm đơn dù nhiều người can ngăn.
Năm 1968, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng trở thành nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam làm việc tại Phòng Truyền hình, tiền thân của Đài truyền hình Việt Nam bây giờ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng đã thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự tại chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc và là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975.
Những bộ phim bà đã thực hiện gồm: Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978)…
Mở phòng tranh, viết sách và huân chương Bắc Đẩu bội tinh
Năm 1988, bà nghỉ hưu, lương thấp không đủ ăn, cả đời làm phóng viên nên chẳng biết phải xoay sở thế nào. Chồng bà, giáo sư Đại học Bách khoa Hà Nội, trước là chiến sĩ Điện Biên Phủ, tính tình cương trực nên cuộc sống quả thực khó khăn.
Ở nhà không làm gì, bà vào thư viện đọc sách và nghĩ mình quen nhiều nhà báo Pháp như thế... cũng nên tìm con đường sống cho mình và gia đình. Nghĩ thế nên bà viết thư cho họ.
Vậy là ở tuổi nghỉ hưu, bà lại có một bước ngoặt lớn: sang Pháp. Nhờ bạn bè giới thiệu, bà tìm được công việc phù hợp với chuyên môn như: Dịch bài báo, phim Pháp. Thời đó, nhiều nhà sản xuất mời bà đi Liên hoan phim Cannes… Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, bà thường được nghe mọi người thắc mắc về Việt Nam, hiểu về Việt Nam rất hạn hẹp. 
Vậy là bà lại quay về Việt Nam mở phòng tranh để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Năm 1991, bà mở phòng tranh Lotus. Cái tên Lotus - Hoa sen với ý nghĩa đơn thuần “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Cuoc doi thang tram cua cuu phong vien chien truong “Nguoi dep thuoc no“-Hinh-3
 Cựu nhà báo chiến trường Nguyễn Thị Xuân Phượng trong buổi ra mắt Hồi ký Gánh gánh... gồng gồng.
Từ một phòng tranh nhỏ có 27 bức tranh ban đầu, sau 2 năm, bà đã có tài sản là 600 bức tranh. Nhờ tranh, bà sống ổn và đồng thời quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Hơn thế, nhờ tranh, bà còn đặt ra mục tiêu tìm kiếm tài năng trẻ về hội họa.
Và sự tưởng thưởng cho bà Nguyễn Thị Xuân Phượng chính là huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ cao quý của Chính phủ Pháp vì những đóng góp nổi bật của bà trong việc xây dựng cây cầu văn hóa Pháp - Việt năm 2011.
Năm 2020, ở tuổi xưa nay hiếm, cựu nhà báo, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phương còn ra mắt hồi ký Gánh gánh... gồng gồng. Tác phẩm gồm những câu chuyện về thăng trầm cuộc đời của bà từ năm 1945 gắn liền với những chặng đường lịch sử Việt Nam.

Mời độc giả xem video:Chú hà mã có tên Champion vì ra đời đúng ngày Việt Nam vô địch. Nguồn: THDT.


Thu Hà