Người bạn của chim muông
GS. Võ Quý yêu thiên nhiên, ham thích nuôi chim từ thuở thiếu thời nên đã sớm định hướng cho mình theo đuổi nghiên cứu chuyên ngành Điểu loại học ngay từ khi bắt đầu giảng dạy tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956).
|
Nhà điểu học Võ Quý. |
“Tôi có thói quen quan sát chim từ lúc 5 - 6 tuổi nên tôi biết tất cả những loài chim của quê mình. Biết thói quen của từng loài như thức dậy lúc mấy giờ, bay về tổ lúc nào, ăn quả cây gì, sinh sản ra sao... Khi lên đại học, tôi quyết định đi theo con đường làm khoa học và các loài chim trở thành đối tượng nghiên cứu của tôi", lúc còn sống, GS.Võ Quý từng tâm sự với báo chí.
Khi mới hơn 30 tuổi, GS. Võ Quý phát hiện một loài trĩ mới - Trĩ lam Hà Tĩnh, ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Dù các nhà khoa học thế giới từ chối công nhận phát hiện của ông, GS. Võ Quý kiên vẫn trì nghiên cứu Trĩ lam Hà Tĩnh (hay còn gọi là "gà lừng" theo tiếng địa phương).
20 năm sau, những tài liệu đó thuyết phục giới khoa học quốc tế và Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) đặt tên cho loài chim này là "Vo Quy Pheasant" (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao của người phát hiện và mô tả chính xác một loài Trĩ mới quý hiếm.
Đến nay, GS. Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, học trò lập hồ sơ thông tin cho hơn 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. Ông viết 14 cuốn sách về chim như: "Chim Việt Nam" (tập 1, 2), "Cuộc sống các loài chim", "Danh mục các loài chim Việt Nam"...; là dịch giả chính của 3 cuốn sách về môi trường đồng thời cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong nước và nước ngoài.
Vì vậy, nhà khoa học xuất sắc này được đồng nghiệp và học trò yêu mến gọi là "nhà điểu học".
Trong cuộc đời làm khoa học của mình, ngoài chim, GS. Võ Quý thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về các loài động vật quý hiếm cũng như nhiều lĩnh vực khác về đa dạng sinh học và môi trường.
Gắn bó cuộc đời với… chất độc da cam
Sự am hiểu về chim đã khiến GS. Võ Quý chú ý tác động của chất độc hoá học (dioxin) đối với Việt Nam. Vì ông hiểu nơi nào có chim thì nơi đó có sự sống. Những hình ảnh do ông ghi lại về những cánh rừng rộng lớn chết khô vì chất độc da cam, quang cảnh hoang vắng, không một tiếng chim kêu đã thuyết phục cả thế giới về tác động khủng khiếp của chất độc da cam đối với môi trường nước ta.
|
GS. Võ Quý trong một chuyến công tác. |
Ông bắt đầu công việc nghiên cứu về dioxin từ những năm 1970. Trong khói lửa của chiến tranh miền Nam, theo gợi ý của GS. Tôn Thất Tùng, ông cùng một nhóm các nhà khoa học đi khảo sát hậu quả chiến tranh do chất độc hóa học Mỹ rải xuống vùng Bến Hải. Tuy nhiên, thời đó, chiến tranh khốc liệt, đoàn công tác của GS. Võ Quý vào đến Hiền Lương thì không thể vượt qua vĩ tuyến 17 để vào Nam, chuyến đi không thành.
Năm 1974, dù biết muôn vàn khó khăn và hiểm nguy, GS. Võ Quý kiên quyết xin vào Nam lần nữa, mang theo một đoàn công tác gồm 10 người. Ba tháng lặn lội dọc theo đường Trường Sơn. Ông tận mắt chứng kiến hàng ngàn hecta rừng bị Mỹ rải chất độc hóa học, mọi sự sống bị huỷ diệt một cách tàn khốc.
Trong chuyến khảo sát ấy, GS. Võ Quý và các đồng nghiệp đã ghi 300 thước phim 16 ly về những cánh rừng rộng lớn với những cây cổ thụ nhiều người ôm không xuể bị chết khô vì chất độc da cam. Quang cảnh hoang vắng, không một tiếng chim kêu, vượn hót.
Chính từ những gì tận mắt chứng kiến đã khiến GS. Võ Quý đi đến kết luận ngay từ những năm 1980 rằng phải mất hàng trăm năm thì hai triệu hecta rừng bị rải chất độc mới có thể tự hồi sinh.
“Công cuộc hồi sinh vùng đất chết gian khó vô cùng. Những nơi bị rải một vài lần, cây cối còn sót lại thì may ra có cơ hội tái sinh, nơi nào bị rải nhiều lần, cây chết hết, đất xói mòn, cỏ tranh, cỏ Mỹ trùm lên thì cây rừng rất khó mọc trở lại nếu không có tác động của con người.”
Ngoài ra, GS. Võ Quý khẳng định thêm, ngay cả khi con người cố gắng trồng rừng, nhưng không hiểu hết những đặc điểm của vùng đất bị suy thoái do chất độc hoá học, để chọn các loài cây cho phù hợp thì việc trồng rừng sẽ khó thành công. Ông ước tính chi phí trồng một khoảnh rừng bị nhiễm chất độc hoá học đắt gấp 10 lần trồng một khoảnh rừng thường.
Chính vì thế, không thể chờ rừng hồi sinh tự nhiên, ông đã cùng đồng nghiệp đề xuất giải pháp trồng rừng và được nhiều địa phương hưởng ứng.
Năm 1994, tại Hội nghị Chiến lược toàn cầu về môi trường tại Canada, GS.Võ Quý đưa ra quan điểm muốn bảo vệ rừng phải có sự tham gia của cộng đồng, thuyết phục mỗi người dân là một kiểm lâm viên.
GS. Võ Quý sinh năm 1929, tại Hà Tĩnh. Ông công tác tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngoài ra, ông còn giảng tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp và Đại học Wiscosin, California Berkley (Mỹ), Đại học Oxford (Anh) ....
Ông là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN).
Trong nước, ông là người đứng đầu hoặc là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức như Tổng Hội Các nhà sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam...
GS. Võ Quý qua đời ngày 10/1/2017, thọ 88 tuổi.
Mời độc giả xem video:Cô gái 18 tuổi ở Điện Biên 2 lần trốn cách ly. Nguồn: THDT.
Thu Hà