PGS.TS. Trần Đình Phong: Tôi từng thi trượt nhiều lắm!

Google News

Là nhà khoa học hàng đầu thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020, nhưng sự nghiệp của PGS. TS. Trần Đình Phong không trải hoa hồng. Ông không ngại kể về việc thi trượt, kể cả trượt "chân" làm giáo sư... 

Ngày 08/11/2020, Tạp chí PLoS Biology của Mỹ công bố danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020. PGS. TS. Trần Đình Phong, Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội là 1 trong 22 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam nằm trong vào danh sách này.
PGS.TS. Tran Dinh Phong: Toi tung thi truot nhieu lam!
PGS. TS. Trần Đình Phong tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2018 
Thi trượt cũng là chuyện thường
Không phải cho đến khi lọt top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020, PGS.TS. Trần Đình Phong mới được biết đến.
Thực tế, từ năm 2018 ông đã nổi tiếng với công trình khoa học “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” và giải thưởng Tạ Quang Bửu cho công trình này.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, trước đó, không ít lần nhà khoa học trẻ này gặp thất bại.
Ông kể, bình thường mình ít gặp may mắn và đi thi trượt rất nhiều. Gần nhất là chuyện trượt khi “xin” một chân làm giáo sư lúc đang làm việc ở Singapore.
“Đó là cuộc chơi mang tính cạnh tranh rất cao. Bao giờ cũng thế, một chân giáo sư trống phải có khoảng 200 – 300 hồ sơ xin. Mình được gọi vào đội đi phỏng vấn tức là nhóm 4 – 6 người cuối cùng cũng không tệ lắm, phải không”.
PGS.TS. Trần Đình Phong chia sẻ thêm: Lần nào cũng nhận được cái thư kiểu “Rất cảm ơn nhưng ông không được chọn … thì cũng quen. Vì thực ra nhiều khi mình trượt không phải vì mình kém so với các đồng nghiệp khác mà vì hướng nghiên cứu của mình không phù hợp với hướng phát triển ở khoa người ta chẳng hạn.
Trở về
Một điều ít biết nữa về PGS.TS. Trần Đình Phong là ông có nhiều năm làm việc ở Pháp, Singapore... Công việc cho thu nhập tốt, môi trường ổn định. Tuy nhiên, sau 11 năm ở nước ngoài, PGS.TS Trần Đình Phong quyết định về Việt Nam.
PGS.TS. Tran Dinh Phong: Toi tung thi truot nhieu lam!-Hinh-2
PGS.TS. Trần Đình Phong quyết định trở về sau 11 năm học và làm việc ở nước ngoài. 
"Khi về Việt Nam tôi có cảm giác an tâm là mình có đủ sức phát triển độc lập ở một trình độ có thể cạnh tranh được với các đồng nghiệp trong khu vực”.
Thừa nhận, Việt Nam chưa có điều kiện như “người ta” nên PGS.TS. Trần Đình Phong chỉ đề nghị những thứ thật cần thiết và làm việc bằng tất cả khả năng, đam mê và kinh nghiệm tích lũy những năm ở nước ngoài.
Và nhà khoa học trẻ đã được đền đáp xứng đáng. Công trình “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” của ông và cộng sự xuất bản trên Nature Materials năm 2016, một tạp chí hàng đầu về khoa học vật liệu và kỹ thuật.
Nghiên cứu của PGS.TS. Trần Đình Phong và cộng sự đã chứng minh thành công cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một loại vật liệu dễ chế tạo và có giá thành thấp có khả năng thay thế bạch kim cho phản ứng điều chế nhiên liệu sạch H2 từ nước. Đây là một bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường. Công trình đã được trao tặng giải thưởng chính giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
Làm khoa học đừng ngại thất bại
Theo PGS.TS. Trần Đình Phong, những người làm nghiên cứu như ông, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nhiều khi không hẹn trước và luôn chuẩn bị cho mình tinh thần của sự thất bại.
Tuy nhiên, điều đó không làm nhụt chí của người làm khoa học bởi “trên con đường đi đó rất có thể chúng tôi có những phát hiện khác, bất ngờ và hữu ích. Thực tế có những phát minh được đưa ra một cách hoàn toàn bất ngờ không được chuẩn bị”.
Ngoài ra, theo PGS.TS. Trần Đình Phong, dù không có những khám phá công nghệ nổi bật thì con đường nghiên cứu khoa học vẫn có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề.

Mời độc giả xem video: Cảnh báo thủ đoạn lấy trộm ô tô tại các khu chung cư. Nguồn: VTV24.


Sơn Hà