Hơn 30 năm qua, nghề tái chế pin, ắc quy với cách làm hết sức thô sơ đã trở thành “cần câu cơm” và thậm chí là bước tiến làm giàu cho không ít hộ dân ở làng Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Việc nấu chì tại các lò thường đem lại thu nhập từ 700-800 nghìn đồng/người/đêm, việc làm các công đoạn đơn giản hơn cũng đem lại thu nhập tới 300 nghìn đồng/ngày nên đã thu hút biết bao lao động trong làng Đông Mai tham gia. Họ thực hiện công việc tại xưởng, hay cả tại nhà riêng rồi đổ hoá chất ngay ra sân, ra kênh mương, ra cánh đồng.
Không biết từ bao giờ, đất, nước, không khí… hay cây lúa, bó rau của làng Đông Mai đều nhiễm độc chì, và bây giờ tới cả những đứa trẻ…
Phỏng vấn chính người dân thuộc Đông Mai, không khỏi xót xa khi tỷ lệ trẻ em nhiễm độc chì hiện nay của làng đã rất nghiêm trọng. Đặc biệt có tới 24 bé có hàm lượng chì trong máu ở mức nguy hiểm, 17 ở mức báo động, 4 ở mức cao và một ở mức ranh giới. Cho tới thời điểm này, hàm lượng chì trong máu của hàng chục trẻ em ở đây đều cao hơn mức cho phép từ 30 – 75 Mg/dl.
Tiến sĩ Phạm Duệ (Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai) cho biết trẻ nhiễm độc chì đa số sẽ chậm phát triển cả thể lực và trí tuệ, thấp bé nhẹ cân, suy giảm chỉ số thông minh (IQ), nặng thì tâm thần, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng… Không những thế, việc chữa trị cho trẻ em bị nhiễm độc chì cũng cần một lượng chi phí không hề nhỏ, cộng với khó khăn nhiều hơn khi có người dân không hề hay biết con mình bị nhiễm độc cho tới khi quá muộn.
Chị Dương Thị Hà ở Đông Mai có con bị nhiễm độc chì tới 76%, lâm vào tình cảnh khó khăn, chạy vạy khắp nơi, thậm chí rao bán cả đàn chó để chữa bệnh cho con, nhưng ai đến cũng lắc đầu quay đi, không buồn trả giá bởi khi nhìn thấy những con chó dị tật, họ đều có quyền nghi ngờ chúng nhiễm độc chì, dẫn đến dị dạng cơ thể...
Hình ảnh đôi mắt trong sáng của trẻ thơ đối lập với hiện thực nhiễm độc chì nhức nhối tại Đông Mai thực sự ám ảnh không ít cho người xem của Nóng & Lạ. Tương lai của thế hệ trẻ, những đứa bé vô tội này rồi sẽ ra sao khi chúng không thể tự cứu lấy bản thân mình? Chính quyền địa phương đã làm gì để đến một ngày ánh mắt ám ảnh kia được thay thế bằng khuôn mặt tươi mới, đầy sức sống của trẻ em Đông Mai? Mời các bạn đón xem trong chương trình “Nóng & Lạ”, phát sóng 20h15 thứ Hai (22/12), phát lại lúc 10h15 thứ Ba và 16h45 thứ Tư trong tuần, trên kênh An Viên (Truyền hình An Viên).
PV