Di tích Việt càng trùng tu càng mất giá trị

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều công trình sau khi trùng tu, lại không đảm bảo các yếu tố gốc, nguyên bản, thậm chí còn phá hỏng không gian kiến trúc của những di tích đó.

"Quái thú" án ngữ lăng Ngô Quyền
 Bức bình phong xấu xí án ngữ lăng Ngô Quyền.

Đầu năm, dư luận xôn xao việc trùng tu tại lăng Ngô Quyền (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Sau 6 tháng thi công, việc tu bổ và tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền đã vấp phải sự phản đối của dòng họ Ngô và nhân dân Đường Lâm.
Trong quá trình thi công có những chi tiết bị sai so với ban đầu và không phù hợp với tinh thần văn hoá lịch sử. Đặc biệt là chiếc bình phong với hình ‘quái thú’ xấu xí án ngữ. Trước mộ một vị vua đặc biệt của dân tộc mà đặt bức bình phong xây bằng xi măng với hình hổ không ra hổ, rồng chẳng giống rồng thì khó chấp nhận được. Sau thời gian ồn ào dư luận, bức bình phong đã bị đập bỏ.
Đình Quang Húc, Chùa Sổ trùng tu như phá
 Dân vây kín đình Quang Húc vì bức xúc trước thảm họa trùng tu.
Trong quá trình trùng tu tại đình Quang Húc (hay còn gọi là đình Bôm), thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội), đơn vị thi công đã để xảy ra nhiều sai phạm cơ bản. Họ đã đưa vào những hiện vật mới nhưng cẩu thả và không đúng kích cỡ ban đầu trong khi nhiều chi tiết có giá trị văn hóa lịch sử và mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Nghê cũ bị thay bằng nghê mới. Xà, cột khi ghép vào rời nhau mấy phân, dột tứ tung. Mảng chạm cổ kính sơn bằng sơn ta nay thành tươi rói phản cảm vì sơn tây.
 Gạch ngói tan hoang ở chùa Sổ.
Một công trình khác khi trùng tu đã không cải thiện chất lượng mà làm thay đổi cấu trúc so với nguyên bản. Đó là chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội). Đơn vị thi công đã hạ giải sai nguyên tắc: Những mảnh ngói nát vụn vứt trên nền chùa; Những bức tường của di tích cấp quốc gia cũng bị đục khắp nơi để tiện đường... di chuyển; Cấu kiện gỗ thì bị chất đống dưới sân chùa.
Trong đó, nhiều mảng chạm với giá trị lịch sử mỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã bị sứt mẻ. Nhiều mảnh khác gãy đôi. Cuộc trùng tu thảm họa đến độ bất cứ ai chứng kiến cũng lắc đầu ngao ngán và đều thốt lên rằng: Mất hết rồi! Sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể khôi phục nguyên trạng được những cấu kiện cổ bị vỡ nát.
“Thái độ sai, trình độ kém, nhận thức yếu thì không thể trùng tu được di tích”, đó là khẳng định của GS Trần Lâm Biền. Bởi đã không hiểu di tích, không có sự giám sát của chuyên gia ắt dẫn đến “thảm họa trùng tu” vì không có cơ sở khoa học, sai pháp luật.
Mời các bạn đón xem chương trình “Trùng tu di tích Việt” phát sóng trong dải giờ “8 giờ 15 phút tối” vào lúc 20h15 thứ Sáu (11/3) trên kênh ANTG để hiểu rõ hơn về những “thảm họa trùng tu di tích” do các đơn vị thực hiện gây ra. Nguyên nhân từ đâu và cần làm gì để tránh lặp lại các sai phạm như vậy. Chương trình sẽ được phát lại vào lúc 9h00 sáng thứ Bảy (12/3) và 15h00 Chủ nhật (13/3) trên kênh ANTG.
Như Quỳnh