Nguy cơ xung đột từ nguồn nước

Google News

(Kiến Thức) - Nhu cầu về nguồn nước ngày càng tăng cao trong khi dân số tăng nhanh dẫn đến vấn đề thiếu nước sạch đang là một vấn nạn trên toàn cầu.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, sự thiếu hụt nguồn nước trong tương lai và những ảnh hưởng của nó đối với an ninh lương thực có thể dẫn tới những thách thức địa chính trị. Vấn đề tranh chấp tài nguyên nước trong thế kỷ 21 được ví giống như vấn đề dầu lửa trong thế kỷ 19, 20.
Nước sạch là tài nguyên quý của mỗi quốc gia. 
Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Ngoại giao chia sẻ rằng vấn đề nước ngọt là vấn đề nhạy cảm đe dọa an ninh giữa các quốc gia láng giềng. Các quốc gia có thể dùng nước như một thứ vũ khí để tạo áp lực với nhau nhằm đạt được các mục tiêu về chính trị.
Ông nêu ra việc tranh chấp nguồn nước trên dòng sông Nile như một ví dụ điển hình cho căng thẳng giữa các nước láng giềng ở lưu vực sông Nile. Những dự án xây đập thủy điện của các nước ở thượng nguồn con sông sẽ làm ảnh hưởng tới việc cung cấp nước của các nước ở hạ nguồn. Điển hình ở đây là hai nước Etiopia và Ai Cập. Nguyên nhân của việc xây đập là đem đến nguồn lợi về điện. Người dân của Etiopia sẽ có được giá điện rẻ hơn nhiều nhưng đổi lại là cảnh thiếu nước của người dân ở vùng hạ lưu. Và nguy cơ dẫn đến chiến sự rất dễ xảy ra. Đã có một cuộc chiến như vậy xảy ra ở Trung Đông khi Syria xây dựng đập trên sông Yarmuk, sau đó ngay lập tức Israel đã phát động cuộc tấn công 6 ngày để phá tan con đập đó.
 Thiếu nước sạch có thể dẫn tới xung đột giữa các quốc gia.
Một vấn đề tương tự xảy ra ở dòng sông Mekong, một trong những con sông lớn của thế giới chảy qua 6 nước và được coi là con sông Amazon của khu vực Đông Nam Á. Một loạt dự án xây đập thủy điện và hồ chứa đang được bàn bạc trong phòng họp của các công ty thủy điện Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác. Những dự án thủy điện này là cơn ác mộng đối với người dân ở các nước sống ở lưu vực sông Mekong . Nếu các dự án thủy điện được xây dựng, hệ sinh thái trên con sông này sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Dự án đập Xayaburi của Lào cũng đang có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Các nước ở khu vực hạ lưu như Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Lào cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam là nước cuối cùng con sông chảy qua và sẽ là nước chịu thiệt hại nhiều nhất từ việc xây dựng các con đập. Ngoài việc ảnh hưởng tới sinh kế và an ninh lương thực, các con đập còn ảnh hưởng tới tính mạng con người khi chúng là nguyên nhân gây ra những vụ động đất lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
Theo Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, việc cần làm để giải quyết các tranh chấp là phải có sự tham gia của tất cả các nước liên quan cũng như sử dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc một cách đúng đắn.
Chủ đề về sự suy giảm nguồn nước có thể dẫn đến những cuộc xung đột trên thế giới được bình luận đa chiều trong chương trình “Góc nhìn ANTG - Nguy cơ xung đột từ nguồn nước” trên kênh ANTG – Truyền hình An Viên.
"Góc nhìn An Ninh Thế Giới" là chương trình mới trên kênh ANTG (Truyền hình An Viên) được xây dựng theo format chương trình bình luận, với sự tham gia của các khách mời là những chuyên gia am hiểu về lĩnh vực thời sự - chính trị quốc tế. Hàng tuần, chương trình sẽ chọn một chủ đề nóng về các sự kiện quốc tế, những vấn đề mang tính toàn cầu để cùng bình luận, xem xét, đưa ra các nhận định. Chương trình phát sóng lúc 20h45 Chủ nhật hàng tuần trên kênh ANTG. 
Kênh ANTG hiện đang phát trên các hạ tầng: Truyền hình An Viên (AVG), Cáp Hà Nội (HCATV), Cáp TP HCM (HTVC) và Next TV.
Vinh Sơn