Nhọc nhằn sự học ở Hang Kia

Google News

Việc gieo cái chữ của các thầy cô giáo đến các em học sinh ở Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình gặp phải vô vàn khó khăn.

Là địa bàn có đến hơn 99% dân số là người dân tộc Mông, việc gieo cái chữ đến với học trò cũng theo đó mà nhọc nhằn, vất vả. Chẳng khác nào gieo mầm sống vào vách núi cheo leo, mới thấy hết được sự quyết tâm của các thầy cô giáo nơi đây.
Mới chỉ có 22 tuổi, cô giáo trẻ Bàn Thị Thủy, giáo viên trường mầm non Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã lên đây công tác được gần 1 năm. Dù biết cuộc sống của người giáo viên cắm bản là đương đầu với khó khăn và thiếu thốn, nhưng tất cả đều không lớn bằng tình yêu dành cho học trò của cô giáo trẻ. Cô giáo Thủy cho hay: Chúng em lên trên này cũng gặp rất nhiều khó khăn về, trình độ dân trí chưa cao nên nhiều khi phải đi vận động học sinh đến trường, nước không có.
Con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi trường cấp 1,2 Hang Kia B Mặc dù có đến gần 300 học sinh nhưng tại đây mới chỉ có 19 giáo viên giảng dạy.
Hầu hết giáo viên nhà trường đều không biết tiếng dân tộc, các thầy cô đều phải tự học tiếng, làm cầu nối đưa con em đồng bào Mông nơi đây làm quen với tiếng phổ thông.
Đồng bào ở đây không quen với việc cho con em đi lấy cái chữ. Những hình ảnh thầy cô đến nhà vận động phụ huynh cho con em đi học như này cũng là chuyện quá đỗi bình thường.
Thầy giáo Lường Văn Phượng – Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 Hàng Kia B, Mai Châu, Hòa Bình cho biết: Học sinh ở đây sự chuyên cần học tập thì không được như dưới xuôi, mặc dù hiện nay có nhiều thay đổi nhưng các với giáo viên thì vẫn còn khó khăn, chúng tôi cũng chỉ mong có đủ lớp học để không còn mặc 2 ca như hiện nay.
Khó khăn, nhọc nhằn là vậy, nhưng với nhiệt huyết, tình yêu dành cho học trò. Gần 30 thầy cô giáo đang công tác tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu vẫn đang từng ngày vượt khó, truyền đạt tri thức, nỗ lực hết mình vì thế hệ tương lai.
Anh Vàng A Nhà – Phó Chủ tịch xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Chúng tôi cũng chỉ mong được sự đầu tư về cơ sở vật chất, đưa các giáo viên thật sự nhiệt tình vào trong này công tác, nhờ đó mà mà đến 2013, toàn xã Hang Kia đã hoàn thành giáo dục THCS.
Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP để cải thiện đời sống giáo viên vùng cao, giúp họ thêm gắn bó với công việc. Nhưng khó khăn vẫn là khó khăn khi mà phần lớn các thầy cô giáo đều công tác xa nhà, với bộn bề thiếu thốn. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, họ vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường. Mang tri thức đến với học trò tại những nơi quanh năm mây mù bao phủ.
Theo ANTV