Nhức nhối tội phạm mua bán người

Google News

(Kiến Thức) - Lực lượng Công an trên cả nước đã chủ động triển khai biện pháp nghiệp vụ quyết liệt tấn công tội phạm mua bán người gây nhức nhối dư luận.


Đã nhiều ngày trôi qua em Lò Thị Ón, 16 tuổi trú tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn chưa hết sợ hãi sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, Ón đã bị một đối tượng tự xưng là Dũng, làm quen, tán tỉnh qua điện thoại rủ đi chơi. Lợi dụng em không biết đường, hắn cùng đồng bọn dùng vũ lực khống chế và bán cả sang Trung QuốcBị nhốt tại một khu lán tập trung, Ón liều mình bỏ trốn; may mắn gặp người tốt trình báo Công an Trung Quốc nên được giải cứu trở về.
Em Lò Thị Ón kể lại: "Có một đối tượng tên là Dũng quen cháu qua điện thoại rồi rủ bọn cháu đi chơi chợ huyện. Đến 3h chiều, có một đối tượng xuống bảo là đi chơi thủy điện sau đó chở thẳng sang bên Trung Quốc luôn. Sang bên Trung Quốc thì bọn cháu mới biết bị lừa".
Khác với trường hợp em Lò Thị Ón, tại Nghệ An, trường hợp 4 cô gái đã chủ động móc nối với Hợi và Pồn – là hai đối tượng chuyên đưa người sang Trung Quốc lấy chồng để được nhận số tiền 60-80 triệu đồng/1 người mà không biết mình sắp bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc kiếm lời bất chính.
Nạn nhân Bùi Thị Thanh – Xiềng My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết: "Nghe họ nói đi Trung Quốc thường kiếm được nhiều tiền, bản thân lại khó khăn vất vả, cho nên tôi tìm cách theo họ mà đi. Họ nói sang bên đấy cùng làm việc với nhau".
Theo số liệu của ngành chức năng, trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra hàng trăm vụ mua bán phụ nữ, trẻ em. 60% số nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% bị bán sang Campuchia, số còn lại sang các nước khác.
6 tháng đầu năm 2014, cả nước phát hiện 301 vụ mua bán người - tăng 42 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy diễn biến của tình trạng mua bán người đang nhức nhối hơn bao giờ hết.
Để chủ động phòng ngừa, lực lượng công an đã và đang đẩy mạnh đấu tranh với loại tội phạm mua bán người. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền tới nhân dân về các thủ đoạn của loại hình tội phạm này.
Đại úy Trần Đoàn Khải – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp, thủ đoạn phạm tội thường được các đối tượng sử dụng là tiếp cận các cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo tìm việc làm ổn định, lao động nhẹ nhàng có thu nhập cao. Sau đó bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc".
Đại tá Nguyễn Quốc Trung trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng: "Các biện pháp phòng ngừa trước tiên chúng tôi thấy cần phải tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt vùng sâu vùng xa có đời sống còn khó khăn".
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, về lâu dài để đối phó với loại tội phạm này, chính quyền các cấp cần phải cải thiện được điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của toàn xã hội để hạn chế tối đa những người "vì miếng cơm manh áo" mà trở thành "hàng hóa" của tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, cũng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống mua bán người một cách chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tái hòa nhận cộng đồng cho các nạn nhân, đó cũng là việc cần làm một cách thiết thực để phòng,chống mua bán người.
Vương Long/Theo ANTV