Thâm nhập thế giới cửu vạn thuê hàng lậu vùng biên

Google News

(Kiến Thức) -  "Hàng hóa của cư dân biên giới mang về tiêu dùng rất ít, chủ yếu họ bị các đối tượng lợi dụng mang vác thuê thôi", Ông Phùng Quang Hội nói.


Theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTG về việc "Quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới” của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11.2006 thì hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hoá đó không quá 2.000.000đồng/1 người/1 ngày. Vậy chính sách này đã bị lợi dụng thế nào?
Theo đó, mục tiêu của chính sách này nhằm tạo điều kiện cho cư dân biên giới phát triển hoạt động thương mại biên giới để nâng cao đời sống. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chính sách bị lợi dụng và vô tình trở thành 1 trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới gia tăng.
Những cư dân biên giới đang còng lưng cõng hàng qua cửa khẩu không phải để mang về sử dụng, nâng cao đời sống như mục tiêu của quyết định 254 hướng đến mà thực chất chỉ là mang vác thuê cho các đầu nậu.
Ông Phùng Quang Hội - Chi cục trưởng chi cục Hải Quan cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết: "Hàng hóa của cư dân biên giới mang về tiêu dùng thì rất là ít, chủ yếu họ bị các đối tượng lợi dụng mang vác thuê thôi".
Đủ loại hàng hóa hàng ngày theo đôi vai của cư dân biên giới tuồn sâu vào nội địa trong đó có nhiều loại hàng không thuộc danh mục các loại hàng cư dân biên giới được mua miễn thuế mà Bộ Công thương quy định, đi kèm theo quyết định 254.
Tuy nhiên, tất cả sau đó đều được hợp thức hóa đơn. Cho đến nay cũng không ai có đủ khả năng để thống kê đã có bao nhiêu lượng hàng miễn thuế ung dung qua cửa khẩu để bán với giá cao trong nội địa, gây thất thu thuế lớn cho nhà nước.
Ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho hay: "Hàng hóa theo danh mục cư dân biên giới thì không nhiều nhưng các đối tượng lợi dụng hàng hóa không thuộc đối tượng quy định của 254 cũng ghi hóa đơn theo thông tư 60 nên vấn đề đó cũng đang là một bất cập về nguyên tắc hàng hóa lưu thông không có hóa đơn chứng từ thì đều phải coi như hàng lậu, giờ cứ lẫn lộn hàng cư dân biên giới".
Ông Hoàng Khánh Hòa - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn nói: "Tinh thần của 254 thì rất tốt, cư dân biên giới được qua lại mỗi ngày một lượt trị giá 2 triệu không phải thuế. Hải quan thì theo thông tư kiểm tra bằng cảm quan các bao hàng, các bọc hàng chúng tôi cũng lo lắm. Đi qua cửa khẩu biết cái nào là nó trên 2 triệu, giở ra thì tắc cửa khẩu mà cũng bị nói nhiều. Mình bảo cái bát này trên 2 triệu nhưng họ bảo không phải. Thì báo cáo cũng khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát".
Một cửa khẩu lớn, vào ngày cao điểm có thể có đến cả ngàn lượt cư dân biên giới vác hàng từ Trung Quốc về. Hải Quan thừa nhận là không thể kiểm tra hết. Điều đó có nghĩa là nguy cơ để lọt hàng lậu, hàng gian ngay tại cửa khẩu là rất cao. Vừa bị lợi dụng gây thất thu thuế, vừa tạo nên nguy cơ hàng lậu tuồn vào nội địa, quyết định 254 được nhiều địa phương đề xuất xem xét lại.
Ông Vy Văn Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Về cư dân biên giới thì cũng nên xem xét lại một cách cụ thể hơn, phù hợp hơn và thiết thực hơn. Vừa tạo điều kiện cho người dân biên giới có thể nâng cao đời sống nhưng cũng làm thế nào đó để các đối tượng biên giới không lợi dụng được không lạm dụng được cơ chế chính sách này để làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng".
Những cư dân biên giới vẫn hàng ngày cặm cụi cõng hàng Trung Quốc về Việt Nam. Được 20 ngàn đồng mỗi chuyến, nhưng phần lớn họ không biết mình bị lợi dụng để nhiều kẻ khác làm giàu bất chính. Và nguy hiểm hơn, hàng miễn thuế từ Trung Quốc về càng nhiều thì càng đặt hàng quốc nội vào thế phải cạnh tranh không sòng phẳng.
Vương Long/ANTV