Bỏ chấm điểm Tiểu học theo Thông tư 30: Cần sửa đổi nhiều điểm

Google News

(Kiến Thức) - Việc bỏ chấm điểm tiểu học theo Thông tư 30 giúp học sinh không bị áp lực về điểm số nhưng lại làm chúng thiếu động lực học tập.

Sáng nay, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức diễn đàn khoa học đánh giá kết quả một năm thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), về quy định đánh giá học sinh tiểu học. Đa phần các ý kiến của các đại biểu đều đồng tình với tinh thần của Thông tư 30, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập về phương pháp đánh giá học sinh theo thông tư này cần phải sửa đổi.
Bo cham diem Tieu hoc theo Thong tu 30: Can sua doi nhieu diem
 Diễn đàn khoa học đánh giá kết quả một năm thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), việc thực hiện theo Thông tư 30 là chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT là chủ trương đúng cần ủng hộ và tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, việc thực đánh giá học sinh theo Thông tư 30 khiến giáo viên phải vất vả hơn nhiều so với trước đây, đặc biệt là giáo viên ở vùng nông thôn bởi giáo viên phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Hơn nữa, việc ghi nhận xét cho trúng còn khó hơn rất nhiều so với việc cho một điểm số. Giáo viên sẽ gặp khó khăn khi thực hiện xét khen thưởng học sinh cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
Đối với học sinh, việc bỏ chấm điểm tiểu học theo Thông tư 30 giúp học sinh không bị áp lực về điểm số, thoải mái hơn, tự tin hơn, chủ động hơn, thế nhưng không chăm học như trước, thiếu động lực học tập, thiếu sự cố gắng... Còn cha mẹ học sinh nói chung ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hàng ngày họ không nhận được các bằng chứng (điểm số) về kết quả học tập.
Do đó, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng cần phải có các giải pháp khắc phục những hạn chế này. Bộ GD&ĐT cần tổ chức, nghiên cứu nghiêm túc thực trạng thực hiện Thông tư 30 với mẫu khảo sát đủ lớn, không nên chỉ dựa vào báo cáo của các Phòng, Sở Giáo dục.
Đồng quan điểm với PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, bà Đinh Mai Trang – Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực Nghiệm nêu quan điểm: Việc thực hiện Thông tư 30 sẽ dẫn đến sự quá tải của giáo viên khi cùng một lúc phải ghi nhận xét vào vở học sinh, trao đổi với gia đình bằng sổ tay liên lạc hay phiếu/thư nhận xét, ghi sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn, hoạt động giáo dục khác,...Việc không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên sẽ rất khó để học sinh, phụ huynh theo dõi, hình dung kết quả học tập, quá trình rèn luyện, phát triển cả phẩm chất và năng lực của học sinh tại trường, dẫn đến kết quả phối hợp chưa được như mong muốn.
“Vì vậy, nên chăng chúng ta kết hợp đánh giá định lượng theo thang độ A,B, C nhất quán, đánh giá thường xuyên đến đánh giá định kỳ với kết quả học tập. Tiêu chí đánh giá kết quả theo các mức độ A, B, C phải được quy định rõ ràng, cụ thể đối với từng môn học. Ngoài ra, cần có những hướng cụ thể hơn về cách thức khen thưởng học sinh cuối năm học vì hiện nay, theo chúng tôi được biết, các địa phương ít nhiều có sự khác nhau trong cách thức khen thưởng. Đặc biệt là cách ghi trong các giấy khen cho học sinh.” – bà Trang bày tỏ.
Thông tư cần phải sửa đổi
Theo quan điểm của ông Nguyễn Kế Hào, việc thực hiện theo Thông tư 30 khiến động lực dạy và học ở các trường học hạn chế, không kích thích được người dạy, không có sự phân hóa và phát triển: “Đáng lẽ ngày hôm nay đi học thì phải có gì mới hơn ngày hôm qua, chúng ta đang sống trong thời đại hướng tới định lượng, từ trẻ sơ sinh, người già đều hướng tới định lượng. Mặc dù Thông tư 30 có định tính nhưng thiếu một nửa, mà định tính và định lượng đi với nhau.
Trước đây có quy định truyền thống có định lượng và định tính, những môn cân đo được thì cứ cân đo còn những cái định tính. Thiếu một nửa thì kỹ thuật ghi chép vẫn thiếu. Cũng có người bảo cũng có định lượng 1 hoc kỳ có bài kiểm tra, 1 bà kiểm tra/ học kỳ không có ý nghĩa định lượng. Tôi đề nghị thay đổi Thông tư 30. Quan điểm của tôi muốn gì thì gì phải có định lượng. Ví dụ toán nó điểm 10 nó thích, 7 cô gạch gach nó biết sai. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh Thông tư 30 để tránh tình trạng suy giảm, mất động lực học tập.” – ông Hào nói.
Bo cham diem Tieu hoc theo Thong tu 30: Can sua doi nhieu diem-Hinh-2
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại cuộc họp.
Cũng tại buổi diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Tôi cho rằng Thông tư 30 có rất nhiều điểm cần phải sửa. Nhưng sửa như thế nào cho hợp lý thì cần phải nghiên cứu. Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức thì mới thay đổi được vấn đề. Kết quả khảo sát kia rất là tốt nhưng tôi cần nghĩ cần cải thiện những khuyết điểm, cần có mục tiêu di động và phải có nhận thức. Chúng ta phải bắt tay vào làm mới thấy được khó khăn và mơi có kinh nghiệm. Nếu không bắt tay vào làm thì không thể lương trước được hết nhưng khó khăn. Khi bắt tay vào làm nó sẽ được cải thiện dần.”
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, điểm số là chất lượng đo lường, là cung cấp tư liệu cho đánh giá. Tuy nhiên chỉ dựa vào điểm số thì cũng không được và cũng không thể coi thường việc đánh giá bằng nhận xét. Vì thế cần phải tính sao cho hợp lý.
Hồng Liên