Những ngày cuối xét tuyển đại học đợt 1, ngay từ đầu giờ sáng, tại điểm tiếp nhận rút - nộp hồ sơ của Trường ĐH Ngoại thương đã đông kín thí sinh. PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương - lý giải thí sinh ồ ạt đến rút hồ sơ vì ngày 16/8 là lần đầu tiên trường công bố mức điểm an toàn để nộp hồ sơ vào trường với mức điểm chuẩn dự kiến “khủng”.
Trong đó, ngành kinh tế đặt ngưỡng với khối A thí sinh phải đạt trung bình trên 9 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, nhiều thí sinh điểm cao (trên 27 điểm) chưa tham gia xét tuyển vào trường nào nay cũng mới đến nộp hồ sơ.
Rút - nộp liên tục
Tình trạng rút - nộp hồ sơ sôi động cũng diễn ra tương tự ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội...
Các thí sinh đều cho biết sẽ rút hồ sơ để nộp sang trường khác có điểm xét tuyển phù hợp hơn. Song thực tế, ghi nhận ở các trường có điểm xét tuyển thấp hơn trong cùng nhóm ngành cho thấy dù lượng hồ sơ nộp vào ngày 17/8 đã đông hơn trước kia nhưng vẫn chưa đón hết được lượng thí sinh rút hồ sơ từ trường tốp trên.
Theo các cán bộ tuyển sinh, có lẽ những thí sinh đã rút hồ sơ vẫn tiếp tục cân nhắc trước khi quyết định nộp hồ sơ vào trường có khả năng trúng tuyển cao trong những ngày cuối của đợt xét tuyển đầu tiên.
|
Thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển tại Đại học Công nghiệp TP HCM trưa 17/8. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
ĐH Y Hà Nội tới ngày 17/8 mới chỉ có khoảng 1.000 hồ sơ được nộp vào nhưng độ cạnh tranh ở các ngành “hot” như bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt vẫn rất căng thẳng. Theo thông tin của trường thì điểm trúng tuyển dự kiến của ngành bác sĩ đa khoa là 27,5 (điểm toán phải từ 9 điểm trở lên), ngành răng hàm mặt là 27 điểm.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, sau khi thông báo điểm chuẩn dự kiến cho từng ngành thì nhiều thí sinh rút hồ sơ, chủ yếu là thí sinh đã đăng ký vào các ngành bác sĩ đa khoa và răng hàm mặt.
Ở ĐH Y Hải Phòng, ông Nguyễn Hải Ninh - Phó trưởng phòng đào tạo - cho biết ngày 18/8, trường công bố mức điểm chuẩn dự kiến cho các ngành đào tạo, nhưng căn cứ vào danh sách thí sinh xếp theo thứ tự điểm của các nguyện vọng được trường niêm yết, thí sinh có thể hình dung được vị trí của mình và khá nhiều thí sinh rơi vào quãng “không an toàn” đã xin rút hồ sơ và chuyển nguyện vọng.
Ngày 17/8, theo phòng đào tạo của ĐH Y Hải Phòng, hầu hết thí sinh nộp hồ sơ trong ngày này đều có mức điểm rất cao, từ 24 điểm trở lên. Trong đó các ngành bác sĩ đa khoa, dược, hầu hết thí sinh nộp hồ sơ muộn đều có điểm thi ở mức 25 trở lên.
Với thực tế số hồ sơ nộp mới điểm cao, mức điểm chuẩn của những ngành “hot” như bác sĩ đa khoa của trường dự kiến có thể sẽ còn nhích lên trong những ngày cuối. “Mỗi ngày có vài chục đến trên 100 thí sinh xin rút hồ sơ, đổi nguyện vọng.
Trong đó, khá nhiều trường hợp có điểm cao, rút hồ sơ khỏi ngành bác sĩ đa khoa nhưng không chuyển nguyện vọng trong trường mà có ý định nộp hồ sơ vào ngành này ở các trường khác như ĐH Y dược Thái Nguyên, ĐH Y dược Thái Bình” - ông Ninh cho biết.
Nếu ở ĐH Y Hà Nội, một số ngành đào tạo cử nhân của trường vẫn chỉ có mức điểm chuẩn dự kiến từ 21,5 - 23,5 thì ở ĐH Y dược Hải Phòng, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết điểm chuẩn dự kiến vào ngành thấp nhất có thể cũng ở mức 23,5 - 24 điểm, tùy thuộc số thí sinh nộp hồ sơ bổ sung trong hai ngày cuối của đợt xét tuyển đầu tiên này.
Chen lấn đến... vỡ kính phòng tuyển sinh!
Sáng sớm, lúc 5h30 tại ĐH Y dược TP HCM, khá nhiều thí sinh và phụ huynh đã có mặt chờ nộp - rút hồ sơ.
Nhiều thí sinh và phụ huynh ở các tỉnh xa đi xe đò từ khuya và đến trường lúc sáng sớm nên phải chờ trước cổng trường. 9h45, số lượng thí sinh đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Y dược TP HCM ngày càng đông. Nhà trường bố trí riêng hai khu vực rút hồ sơ dành cho các thí sinh trước đây nộp trực tiếp tại trường và nộp qua đường bưu điện.
Tới 11h, số lượng thí sinh đến nộp - rút hồ sơ thưa dần. Trường linh động giải quyết cho thí sinh ở tỉnh xa trước và cố gắng trả hồ sơ cho các thí sinh ngay trong buổi sáng. Cảnh tương tự cũng diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM.
Tại ĐH Bách khoa, ngay từ sáng sớm đông đảo thí sinh và phụ huynh đã tập trung, gương mặt ai cũng mệt mỏi. Càng về trưa, số thí sinh đổ về trường càng đông. Chủ yếu thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và rút hồ sơ, cụ thể là đổi từ ngành này sang ngành khác khi thấy mức điểm của mình “lọt” nguyện vọng 1.
Khổ sở nhất là tại ĐH Công nghiệp TP HCM vì lượng thí sinh quá đông. Khi phòng tuyển sinh mở cửa làm việc, hàng trăm thí sinh và phụ huynh ập vào dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn. Càng về cuối buổi sáng thí sinh và phụ huynh càng nóng ruột, xô đẩy nhau làm bể cửa kính của phòng tuyển sinh. May mắn không có người nào bị thương.
|
Thí sinh tranh thủ chợp mắt trong khi chờ rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH GTVT TP HCM sáng 17/8. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Không dám ăn sáng vì sợ... mất lượt
Những phụ huynh, thí sinh đến nộp và rút hồ sơ ở các trường sáng 17-8 đều tỏ ra mệt mỏi, nhiều người muốn buông xuôi. Tính cả lần đi thi, tổng cộng thí sinh Trần Văn Hoài đã phải đi lên đi về giữa TP HCM - Bình Thuận bốn lần. Lúc đầu Hoài nộp hồ sơ vào ngành ôtô của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, nhưng với 20,5 điểm không thể cạnh tranh được nên đành rút hồ sơ nộp vào ngành công nghệ nhiệt học của ĐH Nông lâm TP HCM.
Cô Bành Thị Bích, mẹ của thí sinh này, chia sẻ: “Cháu nhà tôi rút hồ sơ từ ngày 11-8, đến nay đã sáu ngày rồi mà vẫn không thấy tên trong danh sách, sốt ruột quá nên lại phải bắt xe đi”. “Từ lúc không thấy tên trong danh sách, mẹ mình không ngủ được mấy đêm liền, cứ hối thúc mình đi chỉnh sửa” - Hoài kể.
Có mặt tại ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) từ khi trường chưa mở cửa làm việc, ông Hoàng Lê Duy Quang (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không dám đưa con đi ăn sáng mà cứ ngồi chầu chực đợi trường làm việc vì sợ “mất lượt”. Vinh cho biết em thi được 21,5 điểm và nằm ngoài ngưỡng an toàn nên hai cha con đi rút để còn kịp đi trường khác nộp.
Khổ nhất là những phụ huynh đã tất tả đường xa lên TP.HCM rút hồ sơ cho con nhưng lại quên mất giấy ủy quyền.
Từ sáng sớm, ông Nguyễn Đình Nam (huyện Phù Cát, Bình Định) đã đến Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP HCM) để rút hồ sơ cho con. Ông tá hỏa khi trường không cho rút hồ sơ vì ông không có giấy ủy quyền.
Ông Nam lật đật gọi điện về nhà bảo con đến ủy ban xã làm giấy ủy quyền gửi vào. Hai cha con trao đổi qua lại, cuối cùng ông Nam quyết định gọi con vào TP.HCM để trực tiếp rút hồ sơ cho chắc ăn. “Vậy cho nhanh, nó vào rút rồi hai cha con bàn bạc chọn ngành chọn trường khác nộp”.
Nhiều thí sinh phía Bắc vào Nam nộp hồ sơ
Theo ông Trương Tiến Sĩ - Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Ngân hàng TP HCM, những ngày gần đây trường ghi nhận sự quan tâm và nộp hồ sơ của nhiều thí sinh khu vực phía Bắc.
Ngày 17/8, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường tăng gấp đôi so với những ngày trước, đa số là những thí sinh có điểm rất cao. “Có phụ huynh ở phía Bắc hỏi khoảng cách từ sân bay đến trường bao xa để hôm sau đi máy bay vào và đến trường nộp hồ sơ luôn. Thực tế đã có nhiều thí sinh khu vực phía Bắc nộp hồ sơ vào trường trong những ngày gần đây vì điểm xét tuyển của trường hiện ở mức vừa phải” - ông Sĩ cho biết.
Phải công bố điểm an toàn xét tuyển mỗi ngày 1 lần Chiều 17/8, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải thường xuyên cập nhật, công bố lên trang thông tin tuyển sinh của trường ít nhất mỗi ngày/lần, đồng thời công khai mức điểm thấp nhất trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh ở từng thời điểm.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường sẵn sàng với việc giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ mà không chờ đến lúc thí sinh đến trường rút hồ sơ mới thực hiện phân loại. Theo đó, các trường phải sắp xếp riêng số hồ sơ đăng ký xét tuyển có điểm thấp hơn mức điểm thấp nhất trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh theo trật tự nhất định (theo tỉnh của thí sinh nộp hoặc theo ngày nộp hoặc theo số hồ sơ) để việc rút hồ sơ của thí sinh được thuận lợi, nhanh chóng, không để thí sinh phải chờ đợi lâu.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD&ĐT nhắc nhở các trường tăng cường cung cấp thông tin phục vụ đăng ký xét tuyển. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng nhận định dư luận đang “nóng” về thông tin công khai của các trường chưa lọc thí sinh “ảo”, nên yêu cầu các trường công bố điểm thấp nhất trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh của trường ở từng thời điểm để thí sinh tham khảo.
Thực tế cho đến ngày 17/8, nhiều thí sinh than phiền khi vào website một số trường vẫn thấy rất tù mù khi thông tin được cập nhật chỉ đơn thuần là danh sách rất dài thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường, mà không rõ mức điểm an toàn để nộp hồ sơ là bao nhiêu.
Thậm chí có trường không lọc “ảo”, một thí sinh vẫn được thống kê đầy đủ các nguyện vọng bất chấp thí sinh đó đã đạt điểm chuẩn tạm thời của ngành có nguyện vọng cao hơn.
Theo Tuổi Trẻ