Theo PGS - TS Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), việc đăng ký môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới của học sinh chỉ nhằm để thăm dò nguyện vọng, căn cứ vào đây phân loại học sinh để tổ chức các lớp ôn tập khác nhau.
Tuy nhiên, kết quả đăng kí môn thi chính thức cũng sẽ không có nhiều thay đổi. Toàn trường THPT Lương Thế Vinh chỉ có 1 học sinh đăng kí thi môn Lịch sử, số đăng kí thi môn Địa lý, Sinh học khoảng trên 50 em. Còn đến 90% đăng kí các môn Vật lý và Hóa học.
"Không có học sinh nào đăng kí thi đến 6 môn trở lên. Hầu hết chỉ đăng kí thi 5 môn, có một số đăng kí thi 4 môn. Các em đăng kí thi 5 môn, trong đó có các môn Vật lý, Hóa học là tự chọn thì các em đã có cơ hội xét tuyển ĐH-CĐ với ít nhất 3 tổ hợp môn thi, theo các khối thi truyền thống.
|
Ảnh minh họa. |
Vì thế, để tập trung vào ôn luyện, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cũng không khuyên các em thi quá nhiều trong khi kiến thức, kĩ năng còn chưa chắc chắn”, PGS Cương cho biết.
Còn cô Nguyễn Thị Thúy Anh, hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) thì cho biết trường chưa tổ chức thăm dò nguyện vọng của học sinh nhưng do học sinh của trường có đầu vào cao, các em có sự phân loại rất rõ từ đầu cấp học theo hai nhóm tương đương với ban A và ban D.
Trên 500 học sinh lớp 12 của trường có 50% có định hướng ban A, 50% định hướng theo ban D nên nhà trường từ đầu năm học đã bố trí thời gian cho các em ôn tập thêm phần nâng cao các môn học chủ chốt để xét tuyển ĐH-CĐ.
Thời gian này các HS chỉ học thêm 1-2 môn tự chọn để dự thi xét tốt nghiệp và có thêm cơ hội xét tuyển ĐH-CĐ. Các môn tự chọn được nhiều học sinh quan tâm là Địa lý và Vật lý.
"Đại đa số các em đăng kí 4-5 môn thi. Vì càng có ý thức học tập tốt thì các em học sinh càng lựa chọn một cách nghiêm túc, có suy tính, chuẩn bị cẩn thận”, cô Thúy Anh nhận xét.
Vật lý, địa lý được chọn nhiều
Kết quả thăm dò với 359 học sinh lớp 12 trường THPT Phan Huy Chú, một trường có mặt bằng chất lượng học sinh ở top giữa lại cho thấy các môn Vật lý và Địa lý là những môn có nhiều sự lựa chọn nhất với 54,32% và 40.67%. Môn Hóa học có 19,22%, môn Lịch sử có 14,48%, thấp nhất là môn Sinh chỉ có 1,95% số học sinh đăng kí.
"100% học sinh đều dự thi với 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và dự tuyển ĐH-CĐ. Tuy nhiên các em cũng chỉ đăng kí 4-5 môn thi, không có học sinh đăng kí quá nhiều. Kết quả thăm dò này là cơ sở để trường xây dựng kế hoạch ôn tập, đồng thời cũng để thầy, cô, cha mẹ học sinh biết và có phân tích, tư vấn cho các con trong việc điều chỉnh, đăng kí nguyện vọng chính thức vào đầu tháng tới”, cô Nhiếp cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Thuần, hiệu trưởng trường THPT Tiền Phong, một trường khu vực ngoại thành Hà Nội, cho biết trường cũng cung cấp một kết quả tương đồng với nguyện vọng của học sinh khu vực ngoại thành.
Môn Vật lý, Hóa học đều có khoảng 40% học sinh lựa chọn, tiếp đến là Địa lý 30%. Môn Sinh có khoảng 14%, còn Lịch sử có 8%.
“Những học sinh đã lựa chọn Vật lý và Hóa học là những em sẽ không thay đổi nguyện vọng khi đăng kí chính thức. Số dao động có lẽ chỉ ở nhóm học sinh đăng kí Địa lý, Lịch sử, Sinh học”, ông Thuần dự đoán.
Bày tỏ quan điểm về việc đăng kí môn thi của học sinh, một số thầy, cô giáo làm công tác chủ nhiệm tại các trường THPT đều chia sẻ chỉ khuyên học sinh lựa chọn vừa đủ theo nhu cầu, điều kiện học tập, trình độ.
“Việc học sinh đăng kí quá nhiều môn thi nhưng lực học thì không chắc chắn, chúng tôi cũng khuyên các em nên xem xét lại. Vì đăng kí thi môn nào thì cũng cần cân nhắc, không chỉ điều kiện ôn tập, học lực, sở thích mà còn phải tính đến cả sức khỏe. Vì việc dự thi liên tục 7-8 môn thi là vấn đề không phải thí sinh nào cũng đủ sức khỏe”, cô Phạm Thu Hà, một giáo viên THPT ở HN nói.
Theo Tuổi Trẻ