- Em sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học. Em có học lực khá, học đều các môn tự nhiên và xã hội, nhưng hiện tại em vẫn băn khoăn không biết chọn ngành gì để học. Em muốn nhờ các chuyên gia về hướng nghiệp, giáo dục tư vấn cho em biết những ngành nào thì ra trường dễ xin việc?
- Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng khoa công tác thanh niên, học viện thanh thiếu niên Việt Nam, trả lời: Bất cứ ở ngành nào, trường nào nếu người học tốt nghiệp loại giỏi đều dễ xin việc. Điều quan trọng là phải lựa chọn ngành mình thích, thực sự có sở trường, có đam mê chứ không phải ngành đấy thời thượng. Để lựa chọn ngành học một cách chuẩn xác thì phải xác định được các bước cơ bản: liệt kê sở thích, đặt câu hỏi mình giỏi nhất ở lĩnh vực gì (sở trường) và tìm hiểu nhu cầu của xã hội cũng như tính chất công việc mà mình sẽ lựa chọn để đưa ra quyết định đúng đắn.
Tại thời điểm này, thí sinh phải xác định ngay được mình sẽ làm gì trong tương lai. Ngành nghề đó được đào tạo ở trường nào, năng lực bản thân đến đâu để ghi vào nguyện vọng 1 thì cơ hội đỗ mới cao. Thời gian sau này nộp nguyện vọng 2, 3 sẽ cực kỳ ngắn, nếu thí sinh cứ lăn tăn, không xác định được mục tiêu thì dễ lựa chọn bừa, để vuột mất cơ hội vào trường hoặc đi học ngành mà mình không thích.
PGS.TS Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học, trả lời: điểm khác biệt của kỳ thi năm nay là sau khi có kết quả thi thì mới phải đăng ký ngành, trường mà không phải chọn trước giống như mọi năm. Vì thế, thí sinh có thời gian để cân nhắc kỹ lựa chọn ngành học của mình, hạn chế được tình trạng trượt cơ hội vào đại học, cao đẳng do chọn nhầm ngành, trường.
- Tính em ít nói, không có khả năng giao tiếp tốt, hơi thụ động, nhút nhát nhưng em lại rất thích các ngành về kinh doanh, quản lý, lãnh đạo. Em phải lựa chọn ngành như thế nào?
- ThS Nguyễn Ngọc Thái - chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, trả lời: Làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, các vị trí quản lý, lãnh đạo thường được cho là những người có khả năng giao tiếp tốt, linh động, tự tin…
Trong thực tế, những người làm trong lĩnh vực này còn phải có khả năng, kỹ năng, tố chất khác như: có kiến thức về lĩnh vực mình hoạt động, nhạy bén trong trong nhận dạng và giải quyết vấn đề, khả năng thuyết phục, đam mê công việc, kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch - mục tiêu, kỹ năng làm việc nhóm, tôn trọng chính sách - pháp luật…
Những khả năng, kỹ năng để trở thành nhà quản lý, lãnh đạo có thể rèn luyện, cải thiện bằng nỗ lực cá nhân.
Nếu em muốn trở thành một nhà quản lý, lãnh đạo và bản thân nhận ra mình không có đầy đủ các khả năng, kỹ năng cần thiết trên thì cũng không có gì phải lo lắng.
Hãy tự rèn luyện, học hỏi, tự lập cho mình kế hoạch và phấn đấu đạt mục tiêu, tôi tin rằng em sẽ thành công.
Minh Hiếu (Tổng hợp)