Hải quân Philippines nỗ lực “trẻ hóa” đội tàu

Google News

(Kiến Thức) - Hải quân Philippines trang bị tới 101 tàu các loại nhưng hầu hết đều là các loại tàu cũ, hỏa lực yếu. 

Với hơn 7.000 hòn đảo lớn nhỏ trải dài trên 1.200 km, Philippines muốn có hải quân mạnh nhưng hiện họ chỉ sở hữu những tàu “già nua, ốm yếu”. 

To mà yếu 

Nhằm bảo vệ vùng lãnh hải rộng lớn, vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ), Hải quân Philippines được tổ chức với 24.000 quân thường trực, trang bị 101 tàu các loại, trong đó có hơn 50 tàu chiến mặt nước. Đây được xem là lực lượng đông đảo nhưng “chất lượng” tàu lại không được như mong đợi. 

Đóng vai trò chủ lực trong Hải quân Philippines là 3 tàu chiến có lượng giãn nước 1.500-3.000 tấn nhưng chúng đều có “tuổi đời” khá cao. 

Khinh hạm BRP Rajah Humabon (PF-11) có hỏa lực mạnh nhất đã... 69 tuổi. Hỏa lực tàu chủ yếu là pháo 76mm, 40mm và 20mm.

Cách đây 30-40 năm, BRP Rajah Humabon được xem là có sức mạnh đáng gờm. Tuy nhiên, trong chiến tranh hiện đại, con tàu 1.650 tấn có thể bị hạ gục dễ dàng bởi những tàu vài trăm tấn trang bị tên lửa hành trình đối hạm.  

Khinh hạm già nhất khu vực Đông Nam Á BRP Ramon Alcazar.

Hai chiếc còn lại là tàu BRP Gregorio Del Pilar và BRP Ramon Alcazar có lượng giãn nước 2.800 tấn - hai tàu được Philippines mua lại của lực lượng tuần duyên bờ biển Mỹ. Tuy được xem là những tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất của hải quân nước này nhưng chúng cũng đã 44 năm tuổi và hỏa lực thì quá tồi…chỉ có duy nhất một khẩu pháo 76mm.

Lực lượng tàu hộ tống và tuần tra cao tốc có tới 49 chiếc nhưng “chất lượng và tuổi tác” không khá hơn các tàu chiến cỡ lớn. Thậm chí, một vài tàu pháo hộ tống của Philippines được cải tạo lại từ tàu quét mìn.

“Điểm sáng nhỏ nhoi” trong Hải quân Philippines là tàu pháo cao tốc lớp Cyclone có lượng giãn nước 331 tấn. Con tàu ngoài hỏa lực pháo 20mm và súng máy 12,7mm thì còn có bệ phóng tên lửa đối không tầm thấp FIM-92 Stinger. Có lẽ, đây là lớp tàu duy nhất của Philippines có sự xuất của tên lửa.

Hiểu được sự yếu kém của lực lượng hải quân, nhất là sau sự kiện tranh chấp bãi đá Hoàng Nham/Scarbough với Trung Quốc. Chính phủ Philippines bắt đầu tăng cường hiện đại hóa mạnh đội tàu chiến đấu của hải quân.

“Trẻ hóa đội hình” 

Trong tháng 9/2012, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố ý định hiện đại hóa hai tàu chiến BRP Gregorio Del Pilar và BRP Ramon Alcaraz. Hai tàu này vốn là tàu dùng cho lực lượng tuần duyên bảo vệ bờ biển Mỹ. Hỏa lực “gốc” của tàu gồm: pháo hạm 76mm, tổ hợp pháo phòng không Phalanx 20mm và súng máy.

Tuy nhiên, trước khi bán lại cho Philippines, phía Mỹ gỡ bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí (chỉ giữ duy nhất  pháo hạm 76mm) và điện tử của con tàu mặc cho Bộ Quốc phòng Philippines “van nài” giữ nguyên.

Hình ảnh mô phỏng tàu BRP Gregorio Del Pilar hiện đại hóa.

Nếu kế hoạch hiện đại hóa được thực hiện, chiến hạm sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa hành trình chống tàu RGM-84 Harpoon (tầm bắn 130km), hệ thống phòng không và ngư lôi. Dù tuổi đã cao nhưng với hệ thống vũ khí như vậy, chúng sẽ trở thành những tàu chiến mạnh không kém tàu hiện đại của các nước trong khu vực.

Trước đó, tháng 8/2012 Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố nước này đang nghiên cứu kế hoạch mua 2 tàu săn ngầm lớp Maestrale từ Italy với tổng trị giá 280 triệu USD. 

Tuy các tàu Maestrale đã phục vụ trong Hải quân Italy 32 năm nhưng chúng vẫn được xem là những con tàu rất mạnh. Lớp Maestrale có lượng giãn nước 3.100 tấn, dài 122,7m, trang bị vũ khí gồm: tổ hợp tên lửa đối hạm TESEO Mk-2, tổ hợp phòng không tầm trung Aspide, ngư lôi 533mm, pháo 127mm và 40mm. Ít có tàu chiến nào ở Đông Nam Á có hỏa lực tương đương Maestrale.

Ngoài các tàu chiến mặt nước, Philippines đang nghiên cứu việc mua sắm tàu ngầm tấn công nhưng kế hoạch thực hiện dự kiến không sớn hơn năm 2020.

Đang đọc nhiều:
Hoàng Lê (tổng hợp)