Ấn tượng huyền thoại pháo phản lực Grad trút lửa

Google News

(Kiến Thức) - Những quả đạn 122mm ồ ạt rời bệ phóng khi pháo thủ ấn nút, lao nhanh về phía mục tiêu trút bão lửa lên đầu địch.


Grad là tên của hệ thống pháo phản lực phóng loạt do Liên Xô thiết kế phát triển và đưa vào trang bị từ năm 1963. Hệ thống này được cấu thành từ xe phóng BM-21 và đạn phản lực cỡ 122mm M-21OF.
Xe phóng BM-21 được trang bị bệ phóng 40 nòng cỡ 122mm lắp trên xe vận tải bánh lốp 6x6 Ural-375D hoặc xe Ural-4320 (trang bị năm 1976). Tất cả 40 quả đạn pháo có thể bắt đi chỉ trong vòng 20 giây, nhưng có thể bắn từng quả một hoặc vài quả một cách nhau vài giây. Việc nạp lại đạn hoàn toàn thủ công, mất chừng 10 phút.
 Pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad khạc lửa.
Lịch sử chiến trường đã chứng minh rằng BM-21 không thật sự chính xác nhưng phát huy hiệu quả tốt trong việc bắn phá các mục tiêu diện rộng. Một tiểu đoàn pháo phản lực trang bị toàn BM-21 có thể đồng loạt bắn tới 720 quả đạn trong vòng 20 giây vào các mục tiêu trên một khu vực rộng, nên rất hữu hiệu để chống lại đội hình bộ binh và thiết giáp nhẹ, cũng như để phá hủy hệ thống hầm hào bán kiên cố. Tuy nhiên, BM-21 không phát huy hiệu quả nếu bắn vào một mục tiêu nhỏ được định vị như lô cốt bê tông.
Đạn phản lực M-21OF (hoặc gọi là 9M22U) lắp đầu nổ phân mảnh nặng 18,4kg, tầm bắn từ 5.000-20.380m. Ngoài ra, sau này Liên Xô còn phát triển nhiều loại đạn khác dành cho Grad gồm: đạn chống tăng 9M28K đạt tầm bắn 13,4km; đạn khói 9M43 bắn xa 20km; đạn mẹ - con chống tăng 9M217 đạt tầm 30km; đạn nổ phá mảnh 9M521/522 đạt tầm 40km và 37,5km.
Một số nước dùng hệ thống Grad cũng tự phát triển các loại đạn cho riêng mình như Ai Cập với kiểu đạn Sakr-45A/B đạt tầm 42-45km hay Romania với đạn M21-OF-S đạt tầm 12,7km.
Hoàng Lê