Trước khi có sự xuất hiện của siêu tăng Armata, người Nga đã từng hoàn thiện chương trình phát triển mẫu tăng định danh là T-95. Tuy nhiên, thiết kế này không bao giờ đi vào sản xuất. Những thông số kỹ thuật về T-95 cũng không rõ ràng, dừng nhiều ở mức phỏng đoán.
Gần đây, những thông tin về thiết kế, sức mạnh T-95 đã được “hé lộ” trong cuộc trò chuyện giữa Tổng biên tập trang Rosinformbyuro Vyacheslav Prunov với Thượng tướng Sergei Maev – người từng giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Ô tô - Tăng thiết giáp Bộ Quốc phòng Liên bang Nga giai đoạn 1996-2003. Đặc biệt, ông cũng là người chỉ huy việc nghiên cứu chế tạo xe tăng T-95 (còn được biết đến là Công trình thiết kế thử nghiệm “Hoàn thiện-88”).
Dưới đây là nội dung chính cuộc trò chuyện:
- Sergei Aleksandrovich (đây là cách gọi tôn trọng thông thường, gồm tên và tên bố, không có họ Maev), ông nghĩ sao liệu Armata - sản phẩm sẽ được trình diễn nội bộ ở Nizhnyi Tagil có trở thành bước ngoặt cách mạng trong chế tạo xe tăng? Hay là chúng ta lại một lần nữa “đánh vào đuôi” và phải đuổi theo phương Tây?
Tôi kết thúc phục vụ tại ngũ ở Tổng cục Ô tô - Tăng thiết giáp năm 2003. Đến thời điểm đó, chúng tôi đã tạo ra được các mẫu trang thiết bị thiết giáp Nga. Chúng tôi đã ra được xe tăng T-95 theo đề tài “Hoàn thiện-88”. Cũng đã tạo ra nhóm xe bánh xích hạng nhẹ loại xe chiến đấu bộ binh BMP nhiều cấu hình khác nhau. Và tạo ra nhóm xe bọc thép chiến đấu bánh lốp BTR Rostok và các xe BTR-70, BTR-60 cải tiến. Dường như mọi thứ đều đã tới đoạn nước rút về đích. Chúng tôi đã trình diễn cho công chúng các xe tăng mới Black Eagle và Berkut.
|
Xe tăng chiến đấu chủ lực Black Eagle.
|
- Xe tăng Berkut ư?
Phải, xe tăng Berkut, tại nhà máy ở Omsk. Đó là những chiếc xe thử nghiệm mà tôi cho chế tạo nhằm tạo ra tinh thần thi đua, một mặt, còn mặt khác kéo sự chú ý ra khỏi công việc chính “Hoàn thiện-88” được tiến hành ở nhà máy Uralvagonzavod.
Ở nhà máy xe tăng Kharkov (Ukraine), người ta đã nghiên cứu chế tạo các xe mới Bokser và Molot. Trên xe đó, họ chọn pháo chính cỡ 152 mm, khung gầm dùng xe tăng T-64, động cơ đối diện (có hai hàng xilanh tạo góc 180 độ ở hai bên trục chính) công suất 1.500 mã lực. Đúng là kíp xe vẫn được bố trí theo sơ đồ thông thường. Song trên xe Kharkov vẫn tồn tại những khiếm khuyết của T-64. Cơ cấu nạp đạn rất phức tạp, bố trí rất chật chội.
Nhược điểm trên các xe tăng của chúng ta (Nga) là ở chỗ đạn được đặt ở trung tâm của xe, vị trí của máy tự động nạp đạn. Vị trí ấy ít được bảo vệ hơn cả vì lớp vỏ thép bên sườn dày 60mm và là tâm ngắm bắn. Chính vì đối phương luôn ngắm vào tâm của xe. Điều này đã thể hiện rõ ở Chechniya, khi đối phương dùng ngay RPG-7, ở cự ly gần bắn vào tâm xe. Đạn trong xe nổ, xe bị phá hoàn toàn và kíp xe hi sinh. Thậm chí tan xác thành khói bụi.
Vì vậy, đã có quyết định lựa chọn kiểu kết cấu hoàn toàn khác, kiểu đã được sử dụng trong “Hoàn thiện-88”. Xe tăng triển vọng T-95 có vũ khí được đưa ra ngoài và khoang riêng cho kíp xe bố trí ở phía trước thân xe. Toàn bộ các hoạt động, bao gồm cả điều khiển xe chuyển động và tổ chức hoả lực được tự động hoá.
T-95 trang bị trạm radar phát hiện mục tiêu địch ở cự ly 10km. Có thể phóng tên lửa chống tăng chính xác cao diệt mục tiêu ở cự ly xa 5km, bắn pháo xa 3km nhờ “thị giác kỹ thuật”.
Chiếc xe thật sự là một công trình rất mạnh. Và điều chủ yếu là xe có dự trữ công suất động cơ lớn. Bất chấp trọng lượng xe là cỡ 52-58 tấn, nó có thể tăng tốc khi đang chạy trong 10 giây lên đến 70km/h. Thiết kế hệ treo và phần cơ động của xe rất hợp lý.
|
Hình dạng thật sự của T-95 chưa bao giờ được công bố. Trong ảnh là loại xe tăng bí ẩn được các chuyên gia dự đoán là T-95.
|
- Xe tăng T-95 có 7 bánh tì phải không?
Đúng vậy, xe tăng T-95 có 7 bánh tì, xe chạy êm và hệ số treo rất cao. Hệ treo êm đến nỗi, ngay khi bắn mà xe vẫn như đi trên mặt bằng. Chúng tôi đã phải đưa thay đổi vào kết cấu hệ giảm sóc nhằm loại bỏ rung. Tư thế của lái xe rất thuận tiện, nửa nằm nửa ngồi, điều khiển bằng nút bấm, dễ hơn là trên xe Abrams của Mỹ. Chính tôi đã lái T-95 chạy 3 giờ liền trong rừng tuyết, cố làm cho nó bị sóc ở đuôi xe mà không được.
Các thế hệ xe tăng trước đây của chúng ta luôn có vấn đề về công thái học và sự thuận tiện. Còn trên T-95 thì mức độ thuận tiện rất cao. Kíp xe được bố trí theo hàng, vai kề vai (bên trái là lái xe, giữa là trưởng xe, bên phải là xạ thủ ngắm bắn, lái xe và trưởng xe có thể thay nhau được).
- Thế họ có bị chật không? Có đủ chỗ không?
Đủ quá đi chứ! Xe rộng 2m30, kíp xe ngồi như trên đivăng. Và khuỷu tay còn cách nhau 20cm. Ghế ngồi thuận tiện như ghế bành, lái không cần cố sức gì cả. Mọi thứ đều lắp trên đòn giảm va đập. Tôi chưa thấy xe nào trên thế giới có sự thuận tiện như trên T-95. Tôi từng lái Abrams và cảm giác khi lái T-95 thấy thuận lợi hơn so với Abams và Leopard.
Tất nhiên, xe rất đắt tiền và chỉ có các chuyên gia có trình độ cao mới có thể điều khiển nó. Chúng tôi đã có dự kiến đó sẽ là binh sĩ phục vụ theo hợp đồng (không phải lính nghĩa vụ, mà là quân nhân chuyên nghiệp có hợp đồng phục vụ cho quân đội nhà nghề). Thật ra, lính nghĩa vụ cũng có thể được huấn luyện. Trên xe còn có lắp máy chất lượng rất cao, nó xác định toàn bộ tình trạng của mọi bộ phận và tổ máy theo 60 thông số. Và sẽ ngay lập tức đưa ra cảnh báo. Khi có bất cứ trục trặc nào, trên màn hình trước lái xe lập tức có thông báo phải làm gì.
|
Ảnh minh họa.
|
- Toàn bộ kíp xe ngồi trong khoang kín? Chắc là phía sau lớp giáp bảo vệ như vậy các chiến sĩ xe tăng sẽ thấy mình khó bị thương tổn?
Họ ở trong khoang kín, nó được lắp trong thân xe bọc giáp. Khoang kín ngăn kíp xe với khoang chứa đạn. Và điều này mang lại cảm giác được bảo vệ đặc biệt. Người Pháp đã tiến hành nghiên cứu đặc biệt và phát hiện được, là hiệu quả hành động của kíp xe trong các xe hạng nặng lớn hơn gấp 3 lần so với xe bọc thép hạng nhẹ. Bởi vì trong xe hạng nặng kíp xe cảm thấy không bị tổn thương.
- Nhưng bảo vệ kíp xe chưa đủ, phải bảo vệ cả toàn bộ đạn dược trên xe phải không?
Mức độ bảo vệ đạn dược cũng rất cao. Thêm vào đó, ở khoang chứa đạn có các panel có thể văng ra ngoài. Nếu xảy ra chuyện gì đó, panel này sẽ bật ra, bởi vì ở đó không có người, có thể chấp nhận như vậy và điều này bảo vệ được xe. Sau đó panel này sẽ được lắp lại.
- Nhưng với cỡ nòng khủng “như của tàu chiến” thì trên xe dự trữ đạn không lớn?
Cơ số đạn dự trữ trên T-95 là 40 viên, như đối với các xe tăng bình thường.
- Còn động cơ? Xe to như vậy thì động cơ phải rất mạnh.
Động cơ dạng chữ X. Tất nhiên, xe có thể được lắp cả động cơ tuốc bin khí, cả động cơ đối diện, nhưng chúng tôi đã quyết định hoàn thiện động cơ diesel hình chữ X của mình với công suất khoảng 1.500 mã lực. Đã có khó khăn về cấp nhiên liệu, có vấn đề quá nóng. Nhưng nhà máy của chúng ta ở Chelyabinsk đã giải quyết chúng. Chúng tôi đã chế tạo 15 động cơ, và tuổi thọ động cơ trong giới hạn 1.000 giờ.
Nguyễn Vũ