Từ những năm 1950, Mỹ đã phát triển hàng loạt hệ thống radar trên mặt đất để phát hiện sự xâm nhập của các tên lửa và máy bay ném bom của Liên Xô.
Đỉnh cao trong số radar này là Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS) được đưa vào hoạt động vào năm 1959 cho tới tận ngày nay. Tuy nhiên, hệ thống radar trên mặt đất bị hạn chế về phạm vi hoạt động, chỉ có thể phát hiện tên lửa ở cự ly gần.
Để bổ sung cho hệ thống radar BMEWS, Không quân Mỹ đã phát triển một Hệ thống cảnh báo phòng thủ tên lửa (MIDAS) trên vũ trụ.
MIDAS: thất bại thê thảm
MIDAS gồm một nhóm các vệ tinh trong quỹ đạo thấp của Trái Đất. Nó hoạt động sử dụng các cảm biến hồng ngoại để phát hiện tên lửa thông qua luồng phụt phản lực động cơ tên lửa.
Tuy nhiên, hệ thống này không ghi dấu nhiều trong lịch sử phòng thủ tên lửa của Mỹ. Khi mà trong suốt thời gian tồn tại chỉ là chuỗi nhưng vụ phóng lỗi, vệ tinh hỏng.
Vệ tinh đầu tiên thuộc hệ thống MIDAS được phóng vào tháng 2/1960. Nhưng cuộc phóng không thành công do tên lửa đẩy Atlas LV-3 Agena A- gặp trục trặc ở ngay giai đoạn đầu tách tầng. Vệ tinh thứ hai được phóng tiếp 3 tháng sau đó, song hệ thống truyền thông tin liên lạc không hoạt động sau khi vệ tinh vào quỹ đạo gần 1 ngày.
|
Mỹ chi hàng đống tiền để đối phó với mối hiểm họa tên lửa đạn đạo Liên Xô. |
Vệ tinh thứ ba được phóng vào tháng 7/1961, nhưng cũng chỉ hoạt động dưới một ngày trong quỹ đạo vì pin mặt trời gặp trục trặc nên không thể cung cấp năng lượng cho vệ tinh.
Lần phóng vệ tinh thứ 4 cũng không thành công, do lỗi nhiên liệu trong động cơ đẩy của tên lửa nên đã không thể định vị đúng quỹ đạo cho vệ tinh. Đến vệ tinh thứ 5 cũng chỉ có tuổi thọ trong vòng vài giờ sau khi được phóng lên quỹ đạo.
Sau 6 lần thất bại, phải đến vệ tinh thứ 7 mới được phóng thành công bằng tên lửa Polaris. Nhưng đến vệ tinh thứ 8 lại tiếp tục thất bại, còn vệ tinh thứ 9 chỉ “thọ” trong vòng vài ngày do pin mặt trời gắn trên nó không hoạt động. Nhưng nó cũng kịp phát hiện ra 2 vụ thử tên lửa của Mỹ và Liên Xô.
Sau đó, Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm đã phát triển ba loại vệ tinh mới với mục đích phát hiện các tên lửa tầm ngắn hơn, bao gồm cả các tên lửa được phóng từ tàu ngầm. Trong ba vệ tinh mới thì có vệ tinh thứ 11 được phóng thành công vào 1964 và thứ 12 được phóng thành công vào năm 1965. Đây là những vệ tinh cuối cùng trong Chương trình MIDAS.
Bắt đầu từ năm 1966, người Mỹ triển khai chương trình hỗ trợ quốc phòng (DSP), xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trên vũ trụ mới hơn.
“Thần hộ mệnh” bảo vệ nước Mỹ
Chương trình hỗ trợ quốc phòng (DSP) hay còn gọi là hệ thống cảnh báo sớm tên lửa tích hợp (IMEWS) được thiết kế để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật – chiến lược, các vụ nổ hạt nhân bằng cách sử dụng cảm biến phát hiện hồng ngoại.
Hệ thống vệ tinh DSP đã trở thành một thành phần quan trọng trong hệ thống cảnh báo sớm chống tên lửa nước Mỹ suốt hàng chục năm.
Những vệ tinh DSP ban đầu nặng khoảng 900kg và công suất 400 watt, có 2.000 máy dò và tuổi thọ khoảng 1,25 năm.
Trong nhiều năm, vệ tinh DSP đã trải qua hàng loạt nâng cấp cải tiến độ tin cậy, tuổi thọ và khả năng phát hiện tên lửa. Trọng lượng vệ tinh đã tăng lên tới 2,38 tấn, công suất 1.275 watt, số lượng máy dò tăng lên 6.000 và tuổi thọ tăng tới 5 năm.
|
"Mắt thần vũ trụ" DSP trên không gian. |
Nhiều dự án cải tiến cho phép vệ tinh DSP cung cấp dữ liệu chính xác cao, độ tin cậy lớn để đối phó mối nguy hiểm tên lửa.
Cuộc phóng vệ tinh DSP đầu tiên được thực hiện vào ngày 6/11/1970. Ban đầu, người Mỹ có ý định phóng 25 vệ tinh DSP, nhưng sau cùng giảm xuống còn 23 chiếc.
Trong 23 lần phóng, 2 vệ tinh DSP phóng năm 1999 và 2007 đã gặp lỗi. Dẫu sao, với 21 lần thành công, DSP đã vượt qua “cái dớp” chương trình MIDAS. Và nó tạo thành “mắt thần vũ trụ” cảnh báo nhiều vụ phóng tên lửa trên thế giới.
Đáng lưu ý, trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, DSP đã có công phát hiện các vụ bắn tên lửa Scud của Iraq, báo động sớm cho quân đội Israel và Arab Saudi.
Sau DSP, nước Mỹ từ giữa những năm 2000 đã bắt đầu chương trình phát triển hệ thống cảnh báo sớm tên lửa mới, gọi là Hệ thống hồng ngoại không gian (SBIRS).
Tương lai hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ
SBIRS ra đời thay thế hệ thống vệ tinh DSP, sử dụng vệ tinh trong quỹ đạo địa tĩnh và quỹ đạo hình elip. Nó được dùng để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo và cung cấp những cảnh báo về các cuộc tấn công hạt nhân tiềm năng cho Mỹ.
Vệ tinh SBIRS GEO-1 được phóng vào tháng 5/2011 bằng tên lửa Atlas V 401. Nó được đưa vào hoạt động thử nghiệm trong tháng 11/2012. Nhưng do lỗi kỹ thuật nên đến nay GEO-1 vẫn chưa thể thực hiện được chức năng phát hiện tên lửa.
|
Tên lửa đẩy Atlas V của Mỹ rời bệ phóng đưa vệ tinh SBIRS GEO-2 lên quỹ đạo. |
Ngày 20/3, tên lửa đẩy Atlas V của Mỹ đã phóng thành công vào quỹ đạo vệ tinh SBIRS GEO-2 tại Trung tâm Cape Canaveral. Sự kiện này đánh dấu thành quả quan trọng trong lịch sử phát triển vệ tinh chống tên lửa của Mỹ.
Vệ tinh SBIRS GEO-2 mới được phóng thành công vào quỹ đạo ở độ cao 35.786 km, dự định sẽ đi vào hoạt động trước cả GEO-1. Đến năm 2015, Mỹ dự kiến sẽ phóng vệ tinh SBIRS tiếp theo.
Kế hoạch xây dựng nhóm vệ tinh SBIRS gồm có 4 vệ tinh GEO hoạt động trong quỹ đạo hình elip, kết nối thông tin với mặt đất thông qua hệ thống phần cứng và phần mềm, có khả năng cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về các vụ phóng tên lửa cho Chính phủ Mỹ.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Dương Nguyễn (Theo Nasaspaceflight)