Vệ binh quốc gia Mỹ được thành lập từ khá sớm trong cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha. Ban đầu được gọi là lực lượng dân quân nhà nước. Năm 1903, sau khi chính phủ Mỹ thông qua đạo luật Dick đã tạo tiền đề cho sự hình thành Vệ binh quốc gia ngày nay.
Trong Chiến tranh thế giới thứ 1, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật quốc phòng 1916 trong đó yêu cầu sử dụng cụm từ “National Guard” cho lực lượng dân quân nhà nước. Đến Đạo luật quốc phòng 1947 tiếp tục thành lập thêm lực lượng Không quân Vệ binh quốc gia như một phần dự trữ cho Không quân Mỹ.
Vệ binh quốc gia được tổ chức thành các đơn vị đóng quân ở khắp các tiểu bang cũng như các vùng lãnh thổ khác của Mỹ. Vệ binh quốc gia tại mỗi tiểu bang chịu sự kiểm soát của Thống đốc bang sở tại với sự trợ giúp của Tổng phụ tá nhà nước, một sĩ quan cấp cao chịu trách nhiệm chỉ huy thực tế các lực lượng quân sự tại mỗi tiểu bang.
|
Một đơn vị Vệ binh quốc gia đang thực hiện nhiệm vụ tại Iraq năm 2011.
|
Vệ binh quốc gia Mỹ bao gồm 2 chi nhánh chính: Quân đội Vệ binh quốc gia (ARNG) và Không quân Vệ binh quốc gia(ANG). Quân đội Vệ binh quốc gia có quân số khoảng 358.258 người, biên chế thành 8 sư đoàn bộ binh. Mỗi sư đoàn phụ trách từ 3-5 tiểu bang.
Không quân Vệ binh quốc gia có quân số khoảng 104.000 người. Lực lượng này được phân bổ hầu hết các máy bay hiện đại nhất của Không quân Mỹ trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit, nhưng lại không có trực thăng tấn công AH-64D Apache.
Ngày nay, Không quân Vệ binh quốc gia chủ yếu thực hiện các hoạt động đào tạo, dự trữ phi công lái máy bay chiến đấu cho Không quân Mỹ cũng như phối hợp các hoạt động với không quân nước này. Bên cạnh đó, một số phi công của ANG còn tham gia vào các hoạt động thương mại hàng không dân dụng.
|
Tiêm kích F-16 của Không quân Vệ binh quốc gia trên bầu trời Kussan, Hàn Quốc.
|
Vệ binh quốc gia có một lịch sử rất hào hùng và đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Vệ binh quốc gia chiếm đến 40% lực lượng chiến đấu của Mỹ tại Pháp. Trong chiến tranh Triều Tiên hơn 140.000 lính Vệ binh quốc gia đã được huy động tham chiến. Đợt huy động tham chiến lớn gần đây là trong chiến dịch Bão táp sa mạc với 63.000 binh sĩ.
Những năm Chiến tranh lạnh, Vệ binh quốc gia có vai trò quan trọng trong việc dự trữ cho các kế hoạch chiến lược của Washington chống lại Liên Xô. Quy mô Vệ binh quốc gia giai đoạn này được xem là lớn nhất với biên chế 27 sư đoàn bộ binh trong đó có 2 sư đoàn bộ binh cơ giới. Bên cạnh đó họ còn tham gia đảm bảo an ninh chống lại các cuộc bạo loạn. Tiêu biểu trong giai đoạn này là cuộc bạo loạn Rochester 1964, cuộc bạo loạn ở Los Angeles 1992. Vệ binh quốc gia cũng được điều động tham chiến tại chiến trường Việt Nam.
Sau sự kiện 11/9, vài trò của Vệ binh quốc gia được mở rộng như một phần của chiến dịch chống khủng bố toàn cầu. Tính đến năm 2013, Quân đội Vệ binh quốc gia chiếm đến 40% sức mạnh chiến đấu của quân đội Mỹ.
Bên cạnh hỗ trợ các hoạt động quân sự, Vệ binh quốc gia còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục hậu quả thiên tai như: Khắc phục hậu quả sau trận bão Katrina năm 2005, siêu bão Irene năm 2011, bão Sandy và Isaac năm 2012.
Quốc Minh