Mỹ chế tiêm kích hợp thời khủng hoảng kinh tế

Google News

(Kiến Thức) - Hãng Cessna Aircraft đang thực hiện chương trình phát triển tiêm kích hạng nhẹ Scorpion phù hợp với ngân sách quốc phòng eo hẹp các nước thời khủng hoảng kinh tế.

Cessna Aircraft (công ty thành viên Tập đoàn Textron) gần đây đã công bố mẫu thử nghiệm của máy bay phản lực quân sự hiện đại đầu tiên của họ định danh là Scorpion có thể dùng cho nhiệm vụ cho tình báo, giám sát, trinh sát và tấn công.
Scorpion đang được thiết kế bởi một bộ phận mới của Textron là Textron AirLand, đây là liên doanh với AirLand Enterprises. Nó đã được giới thiệu lần đầu tại Hội nghị và Triển lãm không quân của Hiệp hội Công nghệ Hàng không vũ trụ tại National Harbor, bang Maryland.
“Các mẫu thử nghiệm được thiết kế và chế tạo ở Cessna tại Wichita trong vòng bí mật bắt đầu từ năm 2012”, các quan chức công ty cho biết.
“Chuyến bay đầu tiên được dự kiến diễn ra trong năm nay, và máy bay sẽ đi vào sản xuất số lượng thấp dự kiến vào năm 2015. Thử nghiệm và sản xuất ban đầu sẽ được thực hiện ở Wichita”, phát ngôn viên Dave Sylvestre cho hay.
 Ảnh đồ họa vi tính tiêm kích đa năng hạng nhẹ Scorpion.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Textron Scott Donnelly cho biết: "Chúng tôi bắt đầu phát triển Scorpion trong tháng 1/2012 với mục tiêu thiết kế, chế tạo máy bay phản lực chiến thuật. Nó không phải là tiêm kích tiền tuyến, nhưng có thể đủ sức để bảo vệ không phận. Chúng tôi cố gắng tìm một giải pháp kinh tế để phát triển một loại máy bay chiến thuật linh hoạt mà vẫn không tốn kém”.
Scorpion được thiết kế cho những nước có ngân sách quốc phòng hạn hẹp, bao gồm cả ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ (đang bị cắt giảm) và những đồng minh của Mỹ trong thời khủng hoảng kinh tế hiện nay. Công ty cho biết, máy bay rất thích hợp cho các nhiệm vụ tuần tra vùng trời, chẳng hạn như chiến tranh phi đối xứng, tuần tra biên giới, giám sát hàng hải, cứu trợ khẩn cấp, chống ma túy và các hoạt động phòng không.
Phát ngôn viên Sylvestre nói thêm rằng, máy bay Scorpion “vay mượn” nhiều công nghệ, và sử dụng động cơ dân sự Citation. Dự án không cần vốn của chính phủ và các công ty đã không sử dụng các qui trình phát triển thông thường. Sylvestre không nói rõ chương trình này tốn kém như thế nào.
Ông này cho biết, thị trường cho loại máy bay này có tiềm năng khá lớn: Không quân Mỹ, các quân chủng khác của quân đội, Không quân Vệ binh Quốc gia và các lực lượng quân sự của quốc gia đồng minh.
Mẫu thử nghiệm Scorpion đang được lắp ráp.
"Dựa trên những phản ứng từ các khách hàng tiềm năng, chúng tôi nghĩ rằng nhu cầu về loại máy bay này khá cao", Sylvestre nói. Chi phí vận hành máy bay khá thấp. Ước tính là nó sẽ tiêu tốn 2.500 USD đến 3.000 USD cho mỗi giờ bay, bằng 10% so với F-35.
"Những gì Textron nhận được khi hợp tác với AirLand Enterprise, đó chính là một thị trường tiềm năng lớn cho máy bay, có thể bay lâu dài ở những khu vực ít bị đe dọa, làm công tác kiểm soát, tuần tra vùng trời, nơi mà bạn không cần những máy bay chiến đấu cao cấp và tinh vi. Không có một chiếc máy bay như nó”, Sylvestre nói.
“Với tư cách một máy bay cường kích hạng nhẹ, Scorpion sẽ cạnh tranh trên thị trường với Super Tucano của Embraer và AT-6 của Beechcraft”, ông Ray Jaworowski, nhà phân tích hàng không vũ trụ cao cấp phát biểu.
"Là một máy bay phản lực, Scorpion có thể có tốc độ lớn hơn máy bay cánh quạt. Với những quốc gia phải đối mặt với những hạn chế chi tiêu quốc phòng, Textron sẽ phải đảm bảo rằng chi phí vận hành của Scorpion là không lớn hơn so với đối thủ cạnh tranh của nó", Jaworowski cho biết.
Ông nói không chắc rằngQquân đội Mỹ sẽ mua máy bay cho các nhiệm vụ hiện tại của nó, nhưng nó có thể là máy bay phổ biến trên thế giới nếu nó có thể phục vụ như một máy bay huấn luyện.
Và cấu hình lại máy bay như một máy bay huấn luyện có thể là chìa khóa giải bài toán này. Textron có thể sẽ có cơ hội cho Scorpion, khi Mĩ quyết định thay thế 350 máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực T-38 của Tập đoàn Northrop Grumman.
Cessna Aircraft là tập đoàn công nghiệp hàng không của Mỹ thường nổi tiếng với sản phẩm máy bay chở khách hạng nhẹ động cơ cánh quạt (dùng cho đơn vị tư nhân).
Cường kích hạng nhẹ Cessna A-37 trong Không quân Nhân dân Việt Nam.
Cessna có khá nhiều sản phẩm quân sự, tuy nhiên nổi tiếng nhất chỉ có một loại, đó là mẫu cường kích hạng nhẹ A-37 Dragonfly. Tuy Không quân Mỹ không chấp nhận dùng A-37 nhưng nó đã được dùng làm hàng viện trợ quân sự và bán cho khoảng 10 quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, Không quân Nhân dân Việt Nam từng dùng số lượng lớn cường kích hạng nhẹ A-37 thu giữ được sau 1975 phục vụ cho công cuộc bảo vệ tổ quốc. Mãi tới cuối những năm 1980, do thiếu phụ tùng linh kiện thì hầu hết A-37 mới ngừng hoạt động trong không quân ta. Ngày nay, ta chỉ còn thấy bóng dáng của A-37 trong các bảo tàng lịch sử quân sự, bảo tàng không quân.
Lương Minh