Nga chê siêu hạm DDG-1000 Mỹ là “đồ chơi”

Google News

(Kiến Thức) - Truyền thông Nga cho rằng siêu hạm DDG-1000 của Hải quân Mỹ dù có tính năng ưu việt, nhưng nó chỉ là “thứ đồ chơi đắt tiền”.

Theo báo chí Nga, ngày 28/10, Mỹ đã hạ thủy tàu khu trục tàng hình mới nhất USS Elmo Zumwalt (DDG-1000) vào ban đêm, buổi lễ hạ thủy được tổ chức một cách âm thầm, vừa nhằm che giấu tai mắt, vừa tiết kiệm tiền. Ưu nhược điểm của loại tàu này vô cùng rõ ràng, mặc dù tính năng ưu việt nhưng trên thực tế nó chỉ là “thứ đồ chơi đắt tiền”, không thể gây ra mối đe dọa lớn cho Hải quân Nga và Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa DDG-1000 được biết đến về khả năng tàng hình. Tất nhiên, những tàu chiến hiện đại đều được thiết kế để giảm diện tích phản xạ sóng radar hiệu quả, nâng cao khả năng tàng hình, điều này đã không còn là bí mật gì xa lạ.
 Siêu hạm tàng hình DDG-1000 của Hải quân Mỹ.
Trên thực tế, tàu tuần dương tên lửa động cơ hạt nhân mà Liên Xô phát triển trước đây đã đạt được thành công nhất định về yêu cầu tàng hình. Tàu khu trục DDG-1000 của Mỹ có chiều dài 183m, lượng giãn nước 13.200 tấn. DDG-1000 sử dụng một loạt các thiết bị vô tuyến điện tử mới, hình dạng tương tự như tàu bọc thép hoặc tàu tuần dương bọc thép của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Với lượng giãn nước trên 10.000 tấn, DDG-1000 có thể xếp loại tàu tuần dương hơn là tàu khu trục (trên 10.000 tấn có thể gọi là tàu tuần dương).
Ngoài vấn đề tàu DDG-1000 về kích thước giống tàu tuần dương còn về chi phí đóng tàu lại ngang với tàu sân bay. Tính từ thời điểm bắt đầu đóng, kết cấu, lượng giãn nước không ngừng cắt giảm, tính năng kỹ chiến thật không ngừng thu hẹp, còn chi phí đóng tàu thì không ngừng tăng lên. Ban đầu Mỹ dự tính đóng 32 chiếc, sau đó do vấn đề ngân sách nên cắt giảm xuống còn 3 chiếc. Mỗi chiếc DDG-1000 có giá thành lên tới 3,3 tỷ USD.
Tàu được trang bị hệ thống vũ khí tối tân gồm: 2 pháo hải quân AGS 155mm bắn loại đạn thông minh đi xa hơn 100km; hệ thống pháo Mk110 cỡ nòng 57mm và hệ thống phóng thẳng đứng cho phép bắn tên lửa hành trình đối đất, đối không, chống tàu, chống ngầm.
 Tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov của Hải quân Nga trang bị kho vũ khí cực mạnh không thua kém nhiều so với DDG-1000, thậm chí là vượt dội trong khả năng tác chiến chống tàu mặt nước với tên lửa hành trình siêu thanh P-700 Granit có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, Nga có lực lượng tàu chiến mặt nước hùng hậu, được trang bị tên lửa chống ngầm, chống hạm, phòng không tương tự như của Mỹ. Ngoài ra Nga còn đang thiết kế tàu khu trục tên lửa thế hệ mới, dự kiến đóng vào năm 2015, lượng giãn nước từ 12-14.000 tấn, tương đương với tàu DDG-1000 của Mỹ.
Trung Quốc cũng tương tự như vậy, nước này đang gấp rút đóng rất nhiều tàu chiến hiện đại như hệ thống tàu khu trục Type 051C, Type 052C, Type 052D.
Đáng chú ý, có tàu khu trục tên lửa Type 052D của Trung Quốc. Được biết, nước này đang đóng 4 tàu khu trục Type 052D, lượng giãn nước khoảng 8.000 tấn, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng (64 ống) trang bị đạn tên lửa phòng không HHQ-9A (tầm bắn 150-200km), ngoài ra còn có tên lửa chống tàu tầm xa YJ-62.
Khu trục tàng hình Type 052D của Trung Quốc cũng có kho vũ khí tên lửa rất mạnh, không kém nhiều so với DDG-1000.
Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn có trong biên chế 6 tàu khu trục tên lửa Type 052C với hệ thống ống phóng thẳng đứng (48 ống) trang bị vũ khí tương tự Type 052D.
Mặc dù những tàu hiện đại trên của Trung Quốc không thể phân biệt thắng thua với tàu DDG-1000 của Mỹ, nhưng xét về năng lực chế tạo tàu thuyền một cách thực chất thì Trung Quốc rút ngắn khoảng cách lớn với Mỹ.
Hoàng Anh