Nga vất vả kiếm tìm “sát thủ phòng không”

Google News

(Kiến Thức) - Không quân Nga cho tới thời điểm hiện tại vẫn đang “đau đầu” tìm kiếm máy bay làm nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không đối phương (SEAD).

Chế áp hệ thống phòng không đối phương (SEAD) là nhiệm vụ quan trọng trong chiến tranh đường không ngày nay. Bởi chỉ khi vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương thì lực lượng không quân mới có thể đảm bảo an toàn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất.
Với người Mỹ, kể từ cuộc chiến tranh Việt Nam, họ đã không ngừng phát triển vũ khí và chiến thuật chế áp hệ thống phòng không (SEAD) đạt đến mức hoàn thiện. Nhưng về phía Liên Xô thì ngược lại, trong suốt thời gian dài, cường quốc này đã không phát triển phương tiện đường không chế áp hệ thống phòng không. Lý do đơn giản chỉ là họ không gặp đối thủ có hệ thống phòng không mạnh bắt buộc phải tính tới phương án này.
 Khống chế được không phận đối phương, các lực lượng cường kích mới có thể thoải mái yểm trợ cho quân mặt đất tiến công kẻ địch.
Nước Nga sau này cũng vậy, Không quân Nga chưa bao giờ gặp phải đối phương có trang bị phương tiện phòng không mạnh hơn pháo phòng không cỡ nhỏ và tên lửa phòng không vác vai. Do đó cuộc chiến 5 ngày với Gruzia tháng 8/2008 đã cho thấy rõ, là những vụ đụng độ như vậy đầy rẫy thương vong và thiệt hại cho Nga. Do đó nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không đối phương trở thành một trong những dự án ưu tiên.
Hiện nay, để giải quyết nhiệm vụ này trong trường hợp cần thiết sẽ dùng các máy bay cường kích tiêu chuẩn Su-24 và Su-34 trang bị tên lửa chống radar Kh-31P. Nhưng theo đánh giá chung, khả năng của những máy bay này được cho là không đủ.
Ngoài ra, máy bay trinh sát– ném bom siêu âm MiG-25RB có thể đảm nhận vai trò của “Chồn hoang” của Nga. Nhưng những máy bay này đã luống “tuổi”, và trong 10-15 năm tới sẽ hoàn toàn bị loại khỏi biên chế của Không quân Nga.
Trong khi đó việc lựa chọn máy bay cường kích Su-25 làm cơ sở cho “Chồn hoang” Nga (phải có trong biên chế Không quân Nga trong năm 2014) gây ra sự ngạc nhiên nhất định. Do tính năng và mục đích sử dụng của mình, loại máy bay này chỉ có thể hộ tống tốp máy bay cường kích cùng loại.
 Tiêm kích đa năng Nga có thể mang được vũ khí chống radar nhưng nước Nga vẫn cần máy bay chuyên dụng như người Mỹ đã làm.
Su-25 không đủ cả tốc độ, cả tầm bay để hoạt động trong đội hình chiến đấu của các máy bay tiêm kích đa năng và cường kích mặt trận. Đồng thời đối với các máy bay cường kích hoạt động trên bãi chiến trường, chiếc máy bay này có thể trở thành lực lượng hỗ trợ nghiêm túc.
Để giải quyết các nhiệm vụ khác, có lẽ, phải nghĩ đến việc nghiên cứu một loại máy bay chuyên dùng trên cơ sở Su-30 hay ít nhất tạo ra một tổ hợp thiết bị (lắp trong thùng chứa) cùng với vũ khí cần thiết có thể biến một máy bay tiêm kích tiêu chuẩn bất kỳ trong biên chế của Không quân Nga thành “Chồn hoang Nga”.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại nước Nga vẫn chấp nhận sử dụng “tay chơi nghiệp dư” – máy bay tiêm kích, cường kích mang tên lửa chống radar.
Nguyễn Vũ