Thời báo Hoàn Cầu mới đây đăng tải bức ảnh về thiết bị nhìn gần giống quả bom nhỏ lắp dưới bụng máy bay tiêm kích đánh chặn J-8II. Theo một số nguồn tin thì đây là pod tác chiến điện tử KZ-900 do Công ty Khoa học Công nghệ Điện tử chế tạo.
KZ-900 được dùng để tìm kiếm, ngăn chặn, phân tích và nhận dạng tín hiêu radar phát ra của đối phương, để có được những thông tin về hệ thống vũ khí của radar liên quan.
|
Tiêm kích đánh chặn J-8II mang pod tác chiến điện tử KZ-900.
|
Thiết bị trinh sát này sử dụng máy thu băng thông rộng với độ nhạy cao cùng với hệ thống xử lý tín hiệu - dữ liệu hiện đại, có phạm vi bảo phủ tần số tương đối lớn, có thể chặn các tín hiệu bức xạ radar các loại, thích ứng với môi trường điện tử tín hiệu dày đặc và phức tạp, có tỷ lệ khả năng đánh chặn cao, phân loại và xử lý nhanh chóng.
Hệ thống KZ-900 có thể tự động tìm kiếm, xử lý tín hiệu radar mục tiêu trên không, thu được các tham số tín hiệu radar, xác định tần số làm việc và hướng tín hiệu đến của radar đối phương. Và dẫn đường cho máy bay gây nhiễu điện tử thực hiện việc áp chế đài radar đối phương.
Sau khi tiến hành xác định hướng và định vị chính xác radar, nó còn có thể dẫn đường cho vũ khí mang tính sát thương như tên lửa chống bức xạ phá hủy hệ thống radar của đối phương. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể thông qua chuỗi dữ liệu đưa thông tin chặn được cho sở chỉ huy mặt đất, để thuận lợi cho chỉ huy tiến hành bố trí kỹ chiến thuật nhanh chóng và hiệu quả.
Trong thời bình, máy bay tiêm kích trang bị pod trinh sát này có thể độc lập hoặc kết hợp để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tìm kiếm vị trí bức xạ điện tử của khu vực có mối đe dọa tiềm tàng và xác định các tham số điện tử liên quan, để thay đổi và làm mới kho dữ liệu tác chiến điện tử.
|
Thiếu máy bay trinh sát điện tử, Trung Quốc có thể tận dụng hàng trăm chiếc J-8II còn trong biên chế trang bị KZ-900 cho nhiệm vụ này.
|
Theo các nhà phân tích, J-8II mang pod tác chiến điện tử có thể tạm thời giải quyết được tình trạng thiếu máy bay tuần tra, trinh sát điện tử của Trung Quốc. Tính đến đầu năm 2011, Trung Quốc còn khoảng 300 chiếc J-8 đang được sử dụng. Trong điều kiện như vậy, việc nâng cấp một số chiếc J-8 thành máy bay trinh sát tình báo điện tử và dùng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông” (ADIZ) là rất khả thi.
Bên cạnh đó, J-8II vốn là tiêm kích đánh chặn, vì thế khi đối mặt với nguy hiểm trên không có thể tự bảo vệ, thậm chí là không chiến bắn hạ máy bay đối phương.
Máy bay J-8II khi hoạt động độc lập có thể hoàn thành các nhiệm vụ như trinh sát chiến trường, thu thập tình báo, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có thể nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Tiêm kích đánh chặn J-8II do Tập đoàn Hàng không Thẩm Dương (SAC) thiết kế, phát triển dựa trên mẫu J-8 (cải tiến từ J-7 sao chép MiG-21 Liên Xô), nhưng có phần thân trước, cửa hút khí, cấu trúc mũi khá tương tự mẫu F-4 Phantom II (Mỹ) và Sukhoi Su-15 (Nga). Nhờ việc đưa cửa hút không khí động cơ sang 2 bên thân nên không gian mũi J-8II khá lớn cho phép chứa kiểu radar lớn, hiện đại hơn.
|
Tiêm kích đánh chặn J-8II.
|
J-8II trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực WP-13B (sao chép mẫu Tumansky R-13-300 của Liên Xô) cho tốc độ tối đa Mach 2, bán kính chiến đấu 1.000km. Máy bay thiết kế với 6 giá treo trên cánh và thân cho phép mang được tên lửa không đối không, bom và thùng nhiên liệu phụ.
Bằng Hữu