Ngày 1/3, phi đội tiêm kích FS 90, thuộc phi đoàn số 3 đóng quân tại Alaska đã trở thành đơn vị tiêm kích tàng hình F-22 Raptor đầu tiên của Không quân Mỹ được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X. Trung tá David Skalicky, chỉ huy phi đội FS 90 cho biết, việc cập nhật tên lửa AIM-9X cho phép nâng cao hiệu suất tác chiến của F-22.
Ông nói: “F-22 là một thế hệ máy bay xa hơn các máy bay chiến đấu trước đó, trong khi đó, AIM-9X là một thế hệ xa hơn nữa so với các phiên bản trước của AIM-9. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn để đến với phiên bản AIM-9X”.
Tại sao việc tích hợp tên lửa AIM-9X lại trở nên quan trọng với F-22, trong khi đó tên lửa này đã được sử dụng rộng rãi trên các máy bay chiến đấu khác gần 13 năm? Vì sao Raptor-chiến đấu cơ thế hệ mới lại khó khăn trong việc cập nhật vũ khí mới, trong khi các máy bay thế hệ 4 làm điều này rất dễ dàng?
Raptor cỗ máy tối tân thụt lùi
Từ khi được đưa vào hoạt động chính thức từ năm 2005, Không quân Mỹ luôn vỗ ngực tự hào F-22 Raptor là tiêm kích tàng hình tối tân nhất thế giới và không có đối thủ xứng tầm. Tuy nhiên, việc quảng cáo F-22 mạnh nhất thế giới có lẽ chỉ đúng phần nào ở khía cạnh tàng hình, radar.
Trong khi đó, xét về hỏa lực, Raptor còn kém xa các chiến đấu cơ thế hệ 4. Mặc dù là một chiến đấu cơ hiện đại, nhưng F-22 được chế tạo dựa trên công nghệ của thập niên 80-90. Một chi tiết rất quan trọng là mã nguồn phần mềm của Raptor không phải dạng mã nguồn mở nên rất khó nâng cấp.
|
AIM-9M là tên lửa không đối không tầm ngắn chủ lực của Raptor trong 11 năm qua. |
Kết quả là F-22 không thể sử dụng các loại vũ khí tiên tiến. Khi được đưa vào biên chế, F-22 chỉ có thể sử dụng phiên bản cũ của tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C và tên lửa tầm ngắn AIM-9M được sản xuất từ những năm 1980.
Trong khi đó, hầu hết các máy bay chiến đấu của Mỹ đều có thể sử dụng phiên bản tiên tiến nhất của tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X vào năm 2003 và phiên bản AIM-120D tầm bắn gấp đôi AIM-120C vào năm 2008.
Bên cạnh đó, F-22 không được trang bị hệ thống nhắm mục tiêu tích hợp trên mũ bay và liên kết dữ liệu link-16 tiêu chuẩn của các máy bay chiến đấu khác. Ngay khi đưa vào sử dụng, nhược điểm của F-22 nhanh chóng bộc lộ và Không quân Mỹ phải gấp rút tiến hành nâng cấp.
Tuy nhiên, việc cập nhật vũ khí cho F-22 thực sự không dễ dàng. Increment 2 là gói nâng cấp đầu tiên tiến hành vào năm 2005 cho phép Raptor sử dụng bom thông minh JDAM. Gói nâng cấp tiếp theo Increment 3.1 được thực hiện vào năm 2009, gói nâng cấp này cải thiện radar với chế độ mở khẩu độ tổng hợp để lập bản đồ mặt đất, tích hợp thêm bom hàng không đường kính nhỏ SDB.
|
F-22 thả bom hàng không đường kính nhỏ SBD. Quá trình nâng cấp vũ khí cho Raptor diễn ra một cách chậm chạp và nhỏ giọt. |
Gói nâng cấp tiếp theo là Increment 3.2, gói này lại chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 được gọi là Increment 3.2a tập trung vào nâng cấp chiến tranh điện tử, truyền thông và nhận dạng; giai đoạn 2 được gọi Increment 3.2b nâng cấp mã nguồn phần mềm để sử dụng tên lửa AIM-9X.
Gói nâng cấp Increment 3.3 bao gồm mở rộng hệ thống điện tử, trang bị liên kết dữ liệu link 16, tích hợp tên lửa AIM-120D. Dự kiến gói nâng cấp này sẽ hoàn thành vào năm 2018. Như vậy, sau 3 gói nâng cấp F-22 mới có thể sử dụng tên lửa AIM-9X.
Mặc dù đã có thể sử dụng tên lửa AIM-9X nhưng F-22 vẫn phải sử dụng block I, trong khi các máy bay khác đang thử nghiệm block II với tính năng “lock on” (khóa mục tiêu sau khi bắn). Ngoài ra, Raptor không có hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ bay (HMD) nên không thể phát huy tối đa lợi thế về góc nhìn của cảm biến trên tên lửa. Với HMD, phi công có thể tấn công mục tiêu bằng cách nhìn vào nó.
Chương trình phát triển hệ thống mũ bay tích hợp HMCS Scorpion cho tiêm kích F-22 đã bị hủy bỏ vào năm 2013. F-22 chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ luôn phải chơi trò “đuổi bắt” trong việc tích hợp vũ khí hiện đại so với chiến đấu cơ khác.
Raptor luôn là “kẻ đi sau” trong việc cập nhật vũ khí, trong khi các mối đe dọa trên chiến trường luôn thay đổi một cách chóng mặt.
Quốc Minh