|
Xác con voi ma mút được khai quật. |
Mới đây các nhà nghiên cứu, khảo cổ đã hé lộ những thông tin cho thấy dấu hiệu con người đã có mặt ở vùng Bắc Cực Âu-Á khoảng 45000 năm trước đây, sớm hơn 10.000 năm so với những thông tin cũ.
Vào năm 2012, các nhà khoa học tìm thấy xác con voi ma mút đực lông dày ở khu vực gần Vịnh Yenisei, vùng Bắc Cực Siberia. Sử dụng phương pháp carbon phóng xạ cho xương chày của xác voi và những vật liệu xung quanh, các nhà nghiên cứu xác định niên đại của nó khoảng 45000 năm tuổi.
Những dấu vết bất thường trên xương sườn, ngà, hàm của voi ma mút cho thấy dường như con vật đã bị đâm chết, cưa ngà, xẻ thịt. Vũ khí gây thương tổn cho con vật có thể là giáo của những người thợ săn.
Đây là những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy việc con người có mặt ở Bắc Cực 45000 trước, sớm hơn rất nhiều so với những nghiên cứu trước đây, theo ý kiến của nhà nghiên cứu Vladimir Pitulko, Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở St. Petersburg và các đồng tác giả báo cáo trên tạp chí Science.
Họ cũng báo cáo ngắn gọn bằng chứng về việc con người săn bắn ở khoảng thời gian tương tự từ việc nghiên cứu một bộ xương sói được tìm thấy phía đông khu vực gần đó. Điều này cho thấy săn bắn đã là một nghề phổ biến mặc dù dân số loài người còn rất thưa thớt.
Daniel Fisher, một chuyên gia về voi ma mút tại Đại học Michigan, tuy không tham gia vào nghiên cứu này nhưng cũng cho biết các dấu hiệu trên xương của xác voi ma mút có niên đại 45000 năm khá chắc chắn là do con người săn bắn.
Tuy vậy, Robert Park, một nhà khảo cổ học tại Đại học Waterloo ở Canada, chuyên nghiên cứu xương của động vật bị săn bắn khu vực xa xôi phía Bắc cho rằng việc kết luận con người xuất hiện 45000 trước ở Bắc cực là không chắc chắn. Lý do là xác voi ma mút được tìm thấy vẫn còn những phần của bướu mỡ trong khi những người thợ săn thường lấy bướu mỡ này. Mặc dù vậy, Park nhấn mạnh rằng ông không loại trừ ý tưởng voi ma mút bị con người săn bắt.
Đinh Ngân (Theo WP)