NASA sẽ cử tàu lên vũ trụ để lấy “đá trời”

Google News

Theo NASA, các kỹ sư của công ty Lockheed Martin đã hoàn thành việc lắp ráp tàu vũ trụ OSIRIS-REx để tiến hành lấy mẫu thiên thạch lần đầu tiên.

Dự kiến tháng 9/2016, NASA sẽ đưa tàu vũ trụ OSIRIS-Rex lên các hành tinh ngoài Trái đất để lấy mẫu thiên thạch. Con tàu này sẽ tới các tiểu thiên thạch Bennu vào năm 2018 và trở về trái đất vào năm 2023. 
NASA se cu tau len vu tru de lay “da troi”
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx tại công ty Lockheed Martin. (Nguồn: Space News) 
Đây là lần đầu tiên, NASA chủ động “gửi” một tàu vũ trụ đi lấy mẫu thiên thạch.
Theo thông tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), các kỹ sư của công ty Lockheed Martin đã hoàn thành việc lắp ráp tàu vũ trụ OSIRIS-REx để tiến hành lấy mẫu thiên thạch lần đầu tiên. Hiện họ đang hoàn thiện tàu vũ trụ và trong giai đoạn bay thử nghiệm để đảm bảo nó có thể chịu được sự rung lắc khi phóng tên lửa và thực hiện thành công chuyến bay.
Theo nhà khoa học Erin Morton (Đại học Arizona – Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, những thử nghiệm nhằm kiểm tra sức chịu đựng của OSIRIS-REx. Con tàu sẽ được xoay tròn để mô phỏng quá trình phóng, phần căng thẳng nhất của dự án. Các thử nghiệm cũng đặt tàu OSIRIS-REx trong điều kiện nhiệt độ nóng và lạnh cùng lúc, nhằm mô phỏng khi một mặt của tàu hướng về phía Mặt Trời trong vũ trụ.
Theo Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, sau 5 tháng thử nghiệm tại cơ sở ở Denver, Colorado, Mỹ, OSIRIS-REx sẽ khởi hành vào tháng 9/2016. Theo đó, OSIRIS-REx sẽ tiếp cận các tiểu thiên thạch Bennu vào năm 2018 lấy mẫu vật nặng ít nhất là 60 gram và trở về Trái đất vào năm 2013. Các tiểu thiên thạch Bennu, được các nhà khoa học lựa chọn bởi bề mặt giàu carbon để tìm hiểu sự sống bắt đầu trong hệ Mặt Trời như thế nào.
Theo các nhà khoa học, tàu OSIRIS-REx sẽ không hạ cánh trên thiên thạch mà sử dụng một thiết bị thăm dò giống như chiếc vòi của loài muỗi để lấy mẫu vật. Dự kiến, con tàu tiếp xúc với thiên thạch trong khoảng 5 giây và hút một phần của thiên thạch.
Các kỹ sư cùng lập kế hoạch cho biết, OSIRIS-REx trở về Trái đất sau khi nó bay quanh Mặt Trời và quay lại với mẫu vật. Nhóm nghiên cứu có thể sử dụng kết quả từ dự án trong các nhiệm vụ tiếp theo với thiên thạch.
Dự án này sẽ giúp NASA phát triển các công nghệ mới như thu thập mẫu vật, gặp gỡ, áp sát và chuyển hàng khối lượng lớn.
Không chỉ góp phần trả lời câu hỏi về nguồn gốc hệ Mặt Trời, OSIRIS-REx cũng giúp nâng cấp những kỹ thuật phòng thủ để phát hiện thiên thạch nguy hiểm và bảo vệ Trái đất trong tương lai. NASA muốn xây dựng hệ thống thay đổi lộ trình của thiên thạch nếu nó có kích thước lớn và khả năng gây hại khi bay quá gần Trái đất.
Thiên thạch, còn gọi là “đá trời”, có tên tiếng Anh là “meteorite”, được hiểu là một vật thể tự nhiên từ ngoài không gian và tác động đến bề mặt Trái đất. Tuy nhiên, không phải tất cả các vật thể bốc cháy trong khí quyển Trái đất, hay đâm xuống mặt đất, đều là “đá trời” mà có thể chỉ là rác thải vũ trụ. Đôi khi chúng lọt vào khí quyển Trái đất và bốc cháy, làm nhiều người lầm tưởng là sao băng.
Do sự quý hiếm của “Đá trời” mà hiện nay trên thị trường, giá của một viên “đá trời” từ sao Hỏa (hòn đá này là một phần của thiên thạch Tissint, đen bóng, nhỏ tới mức có thể nằm gọn trong lòng bàn tay) được bán với giá khoảng 44.000 USD (tương đương 900 triệu đồng).
Theo Thế giới VN