Đây cũng là năm cuối cùng mà kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình cũ, trước khi chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 chính thức được áp dụng vào năm 2025. Việc lựa chọn ngành học và trường đại học trong giai đoạn này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ phía thí sinh và gia đình để tránh tình trạng 'trượt oan'. Số chương trình Tư Vấn Tuyển Sinh 2024 thực hiện bởi Ban Khoa Giáo – Đài Truyền Hình Việt Nam ngày 13/07/2024 vừa qua đã mời đến các khách mời để có thể giải đáp, thông tin đến các thí sinh trong việc cân nhắc khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ mà mình mong muốn.
Khách mời trong số phát sóng chương trình ngày 13/07/2024
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ trong chương trình Tư Vấn Tuyển Sinh 2024 phát sóng ngày 13/7, hệ thống của Bộ đã ghi nhận một triệu nguyện vọng từ gần 300.000 thí sinh đăng ký thử. Từ 6-10/7, cổng đăng ký xét tuyển mở để thí sinh thực hành đăng ký. Giai đoạn đăng ký chính thức từ 18-30/7, thí sinh cần chú ý để tăng cơ hội trúng tuyển. Thí sinh cần hoàn thành đầy đủ quy trình từ đầu đến cuối và nhấn nút kết thúc để hệ thống ghi nhận các nguyện vọng.
Về hệ thống xét tuyển thì Bộ Giáo dục Đào tạo đã có những điểm đổi mới nào để đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh?
Bà Thuỷ nêu thêm: 'Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà thí sinh cần ghi nhớ là hoàn thành đầy đủ quy trình từ đầu đến cuối và nhấn nút kết thúc mọi quy trình để hệ thống ghi nhận tất cả các nguyện vọng. Trong trường hợp muốn thay đổi nguyện vọng, thí sinh cũng phải thực hiện lại toàn bộ quy trình để hệ thống ghi nhận sự thay đổi. Bộ GD&ĐT đã cải thiện quy chế tuyển sinh để hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Theo đó, các em có thể đăng ký nguyện vọng không giới hạn và chỉnh sửa nguyện vọng cũng không giới hạn số lần. Điều này giúp tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Khi đăng ký xét tuyển, chỉ cần đăng ký ngành, nhóm ngành hoặc chương trình đào tạo mà không cần lựa chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Hệ thống sẽ tự động lựa chọn dữ liệu tốt nhất để các em trúng tuyển vào nguyện vọng đã đăng ký'.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT: PGS. TS Nguyễn Thu Thuỷ (trái)
Thầy Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế - Tài Chính TP.HCM) thông tin thêm: 'Để tránh trượt oan, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng một cách thông minh và hợp lý. Nguyện vọng yêu thích nhất, mong muốn đậu vào nhất nên đặt lên hàng đầu. Nếu các bạn có kết quả trúng tuyển xét tuyển sớm nhưng cũng muốn đậu bằng kết quả THPT thì hãy ưu tiên xếp nguyện vọng yêu thích lên trước để đảm bảo đậu'.
Th.s Phạm Doãn Nguyên (trái) và PGS.TS Vũ Duy Hải (phải)
Đối với trường có nhiều ngành học nhận được sự quan tâm, điểm chuẩn cao và tỉ lệ cạnh tranh rất cao như Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS Vũ Duy Hải nhận định: 'Ngành điểm chuẩn cao có thể hiểu là ngành học đang nhận được sự quan tâm cao từ các thí sinh, bậc phụ huynh và có nhu cầu việc làm của xã hội đang cần, vậy nên các bạn phải chấp nhận sự cạnh tranh công bằng so với các bạn khác. Nếu trúng tuyển sau khi ra trường có việc làm tốt đúng với sở trường năng lực thì là đó điều hiển nhiên'.
Thí sinh không nên chỉ tập trung vào một nhóm trường có mức độ cạnh tranh như nhau mà cần dàn trải vào các nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau để có cơ hội trúng tuyển tốt nhất. Đối với các thí sinh tham gia xét tuyển sớm và đã trúng tuyển sớm ở các trường đại học, cần lưu ý đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ chung của Bộ để nguyện vọng được ghi nhận chính thức và có hiệu lực pháp lý.
'Sau khi biết điểm, cần tìm hiểu chỉ tiêu, điểm sàn, điểm chuẩn, thị trường lao động và mục tiêu nghề nghiệp. Nguyện vọng yêu thích nhất nên được xếp lên hàng đầu để đảm bảo đậu.' – Lời khuyên mà thầy Phạm Doãn Nguyên gửi đến sĩ tử trong giai đoạn quan trọng khi mà thí sinh sẽ phải đưa ra lựa chọn nguỵện vọng phù hợp.
Năm 2024 là năm cuối thi theo chương trình cũ, Bộ đã có kế hoạch như thế nào cho kỳ thi năm 2025?
'Đối với các thí sinh thi tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước, các em vẫn sẽ có bài thi riêng của mình vào kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, tức là cơ hội vẫn dành cho các bạn vào năm sau. Và dự kiến, 2 bài thi này sẽ cùng dự thi vào giai đoạn, thời kỳ với các bạn thi vào năm sau. Và tất nhiên, bài toán về xét tuyển sẽ phụ thuộc vào các trường đại học trong đề án tuyển sinh, số lượng chỉ tiêu phù hợp cho các đối tượng thí sinh khác nhau.' – PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ trong chương trình.
Đây là giai đoạn mà việc đăng ký xét tuyển đại học là bước ngoặt quan trọng trong hành trình học tập của mỗi thí sinh. Các thí sinh cần tỉnh táo và sáng suốt khi đặt nguyện vọng để tránh tình trạng trượt oan. Hãy sắp xếp nguyện vọng một cách thông minh, tận dụng tối đa các cơ hội để đạt được kết quả tốt nhất. 'Trước ngưỡng cửa quan trọng, cần nhìn nhận lại rằng phía sau là ba mẹ, thầy cô luôn hỗ trợ các bạn. Hãy sắp xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu.' - Th.s Nguyễn Trần Ngọc Phương (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH) gửi lời lúc đến các sĩ tử.
Th.s Nguyễn Trần Ngọc Phương (trái) và TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (giữa)
Các sĩ tử cần có chiến lược để chọn ngành tránh trường hợp chủ quan dẫn đến trượt nguyện vọng. Hy vọng qua những chia sẻ của các khách mời từ chương trình các bạn thí sinh sẽ có được sự lựa chọn phù hợp đúng với sở thích và năng lực của mình để đưa ra quyết định đúng đắn khi sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển. Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đừng quên tiếp tục theo dõi Chương trình Tư Vấn Tuyển Sinh 2024 vào lúc 14 giờ thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2 và sóng trực tiếp trên kênh Fanpage và Youtube VTV2 Tư Vấn Tuyển Sinh để tiếp tục cập nhập thông tin mới nhất về kỳ thi THPTQG 2024 và xét tuyển Đại học - Cao đẳng 2024.
PV