Nhiều tài khoản facebook đã xóa bài đăng về tin đồn nữ sinh viên HUFLIT bị xâm hại

Google News

Sáng 12/1, hầu hết các tài khoản đăng tải thông tin thất thiệt về việc nữ sinh viên của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) bị xâm hại khi đi học quân sự đã bị xóa. Chủ nhân của video liên quan cũng lên tiếng đính chính vụ việc này.

Suốt đêm qua, thông tin thất thiệt về việc nữ sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) học quân sự tại trung tâm giáo dục quốc phòng của trường Quân sự Quân khu 7 bị xâm hại lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM (HUFLIT) cho biết trường và phía trường Quân sự Quân khu 7 cũng đã đề nghị công an vào cuộc xác minh về việc lan truyền thông tin thất thiệt này. 

Nội dung chú thích ảnh

Công văn chính thức từ trường Quân sự quân khu 7 về vụ việc 

Sáng nay, đại diện Trường quân sự Quân khu 7 đã chính thức khẳng định đây là thông tin bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật. Những đối tượng phản động lấy clip cũ của một bạn sinh viên quay cảnh trung tâm trước đó, rồi gắn thông tin xuyên tạc, gây rúng động mạng xã hội.

Nhà trường hiện đang phối hợp với đại diện trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM định hướng tư tưởng cho sinh viên, không chia sẻ, đăng tải hình ảnh, clip sai sự thật.    

Cũng trong sáng nay, nhiều bài đăng trên Facebook liên quan đến sự việc đã bị xóa hoặc sửa đổi lại thông tin. Nhiều bài đính chính cũng đã được đăng tải trên các diễn đàn dành cho sinh viên. Nội dung chú thích ảnh

Nhiều bài đăng về sự việc đều bị gỡ. Ảnh chụp màn hình

Đặc biệt, tài khoản được cho là chủ nhân của clip có tiếng gào khóc, la hét rất thảm thiết cũng đã lên tiếng đính chính sự việc. Phía Trường quân sự Quân khu 7 cho biết cũng đã làm việc với sinh viên quay clip và sinh viên này khẳng định nội dung clip không phải như thông tin đang lan truyền trên mạng. 

"Mình xin đính chính sự việc của clip dưới đây là do mất đoàn kết nội bộ giữa các cá nhân sinh viên nữ (nghi ngờ lấy tiền của nhau) nên bạn sinh viên đó đã có hành động tiêu cực, và khi được phát hiện các thầy có lên trấn an bạn nhưng bạn vẫn bị kích động nên các thầy có đưa bạn xuống văn phòng để giúp bạn bình tĩnh, để tránh trường hợp xấu xảy ra như hình ảnh các bạn đã thấy bên dưới.

Sau khi xuống văn phòng được các thầy trấn an và bình tĩnh lại thì bạn được ba mẹ lên đón về", tài khoản này cho biết.

Tài khoản đăng tải clip cũng thừa nhận, sau khi sự việc xảy ra, người này đã gửi clip cho 3 người khác. Hiện tại, trên mạng đang lan truyền quá dữ dội các thông tin và clip thất thiệt. Tài khoản này mong mọi người không lan truyền thông tin sai sự thật, đồng thời gửi lời xin lỗi đến mọi người vì chỉ vì suy diễn nông nổi của cá nhân đã khiến mọi chuyện đi quá xa, ảnh hưởng đến uy tín của trường.