Trong chuyến công tác tại Trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa), tôi đã dừng lại khá lâu trước hồ sơ của phạm nhân Nguyễn Hoàng Giang (Hà Nội). Dừng lại bởi... rùng mình trước những chi tiết mô tả hành vi phạm tội, bởi đối tượng gây án còn quá trẻ. Cho tới thời điểm này, Giang đã thụ án được 10 năm, nên tôi rất tò mò muốn biết kẻ thủ ác năm nào hiện giờ ra sao, có rút ra điều gì sau tội ác gây căm phẫn năm xưa hay không?
Khi bước trên con đường nhựa ngoằn ngoèo dẫn tới phân trại đang giam giữ Nguyễn Hoàng Giang, tôi cứ nghĩ mông lung về cuộc gặp sắp diễn ra. Một kẻ nhẫn tâm dùng vũ lực để cưỡng bức một thiếu nữ 14 tuổi tới 5 lần một đêm, rồi sau đó lại cầm theo dao tông để đuổi đánh bạn trai của thiếu nữ nhằm dằn mặt... Kẻ đó đã phải nhận án 20 năm tù khi đang ở tuổi 18... Điều đó khiến tôi vừa mông lung, vừa tò mò cho cuộc gặp này.
|
Nguyễn Hoàng Giang đã thụ án được 10 năm, và còn hơn 9 năm nữa. |
Bước vào phòng, phạm nhân Giang khiến tôi ngỡ ngàng, vì nụ cười "nhát" và dáng vẻ lành hiền kỳ lạ.
Mở đầu câu chuyện, giống như bao người chịu án khác, Giang nhẩm tính ngay rằng "em còn 9 năm nữa". Đó là một sự khao khát tự do đến cháy bỏng mà chỉ những người sống sau song sắt mới thấu hiểu được.
- Bố mẹ em có hay đến thăm không?
- Thời gian đầu thì có, nhưng thưa dần. Lần gần nhất là từ 3-4 năm trước rồi anh!
Giang kể, bố mẹ cậu năm nay đều đã ngoài 60 tuổi, mỗi lần ông bà tới là cậu lại thấy bố mẹ mình yếu đi, nên phạm nhân này khuyên hai người "thôi, đừng lên thăm con nữa, đi lại vất vả, khó khăn quá!"
Những chia sẻ chân thành đó, Giang nói với tâm trạng nhẹ nhõm, bất chấp 3-4 cái Tết đã trôi qua và cậu chưa được gặp người thân. Khi ấy, bất giác tôi nhớ lại lời của một điều tra viên dày dặn kinh nghiệm từng chia sẻ: Khi đối mặt với kẻ phạm tội khủng khiếp, lì lợm, ngoan cố tới đâu, cũng luôn phải tìm tới "khoảng sáng" trong tâm hồn để kêu gọi hợp tác. Khoảng sáng đó, với Giang, chính là suy nghĩ hướng về bố mẹ sau tội ác đã gây ra...
Nhưng, dù trải qua những giây phút lắng lòng như thế, tôi vẫn không thể gạt bỏ ấn tượng trong đầu về những gì mà đối tượng từng phạm phải.
- Em có muốn chia sẻ gì sau khi gây ra những tội lỗi trong quá khứ không?
- (im lặng)
- Em biết nạn nhân giờ sống thế nào chứ?
- (ngập ngừng) Em không nghe được thông tin gì về nạn nhân...
Lảng tránh nói về lỗi lầm là cách phản ứng quen thuộc của mỗi phạm nhân mà tôi gặp trong những cuộc trao đổi như thế này. Nhưng tôi tin rằng, phản ứng của họ khi đó sẽ là phản ứng thật nhất, bộc lộ rõ nhất sự ăn năn nếu có.
Câu chuyện loanh quanh một lúc, lại chuyển về đề tài gia đình, vì có lẽ đó là điều Giang luôn nhớ và mong ngóng nhất từ khi vào tù. Phạm nhân này kể, vài tuần trước, cậu đã được gọi điện về cho bố, hỏi thăm sức khỏe và thấy bố nói nặng nhọc, khó khăn hơn trước, nên dù không nói ra, Giang cũng biết bố mình yếu đi nhiều.
Bởi thế, Giang tự hứa phải cố gắng hơn để sớm được ra tù. Nhưng sớm, cũng là hơn 9 năm nữa... Giang chia sẻ dự định tương lai là "chưa biết được", vì khi bị bắt còn trẻ quá, và giờ ưu tiên nhất vẫn là về với bố mẹ, mọi sự tính sau.
Nghe thế, bất giác tôi thấy sự trả giá mà Nguyễn Hoàng Giang đang phải nhận hoàn toàn xứng đáng với những gì cậu ta gây ra. Tội ác trong quá khứ khiến dư luận sôi sục phẫn nộ, và kẻ gây án 18 tuổi khi đó vẫn đang hằng ngày hằng giờ phải trả giá bằng cách để trôi tuổi thanh xuân phía sau song sắt...
Hằng ngày, Giang tìm cách khuây khỏa bằng cách tập thể dục và đọc sách. Nhưng không phải đọc vì đam mê, đơn giản bởi... chẳng biết làm gì, và đọc, thế thôi! Giang nói vậy.
Tại sao giờ lại viết câu chuyện về Nguyễn Hoàng Giang? Nhiều người sẽ băn khoăn như vậy, khi vụ án chấn động dư luận năm nào đã trôi vào quá khứ được gần 11 năm.
Là bởi những ngày vừa qua, thứ cảm xúc phẫn nộ của mỗi người lại bùng lên sau vụ án kẻ thủ ác Vương Văn Hùng (SN 6-5-1984, trú tại phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, quê quán ở Thất Hùng, Kinh Môn, Hải Dương) hãm hại nữ sinh viên Cao Mỹ D. (SN 1997) giao gà cho mẹ ở tỉnh Điện Biên. Câu chuyện về Giang được viết ra như một lời nhắc rằng, với những gì kẻ phạm tội đã gây ra, pháp luật chắc chắn sẽ trừng phạt thích đáng.
Sự trả giá đớn đau sau đó luôn là lời nhắc nhở nghiêm khắc cho những ai đang mấp mé ở ngưỡng cửa sai lầm, để quay trở lại con đường hướng thiện trước khi quá muộn.
Theo Trung Hiếu/ANTĐ