Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ ngày 29/1, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, bệnh viện trên toàn quốc đã tiếp nhận 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, 28 trường hợp khám, cấp cứu do chất nổ khác.
Tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 2.203 trường hợp, trong đó có 990 ca phải nhập viện điều trị nội trú, trong đó có 14 trường hợp tử vong.
|
Chăm sóc bệnh nhân cấp cứu trong những ngày Tết ở bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN) |
Theo các chuyên gia, các trường hợp bị tai nạn do pháo nổ gây ra để lại những hậu quả hết sức nặng nề và nguy hiểm với nhiều tổn thương lớn tới sức khỏe.
Việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo ở Việt Nam bị nghiêm cấm trong phạm vi cả nước kể từ năm 1995.
Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, buôn bán trái phép, đốt pháo tùy tiện, nhất là trong các ngày lễ Tết vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Thực trạng này tiềm ẩn mối nguy cơ vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe của người dân và tình hình an ninh trật tự.
Do sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn không thống kê được.
Trong đêm Giao thừa, việc đốt pháo tự phát của người dân trong các thành phố và tại các địa phương kéo dài liên tục từ 30 đến 40 phút, tạo tiếng nổ ồn ào, làm cho người già, trẻ em, người yếu tim, thần kinh yếu không chịu nổi. Bên cạnh đó, pháo để đốt là pháo lậu với chất lượng trôi nổi, dễ gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Theo Thùy Giang /VIETNAM+