147 người bị kỷ luật do vi phạm kiểm soát tài sản, thu nhập

Google News

Theo Thanh tra Chính phủ, tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ của người tham nhũng.

Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
“Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
147 nguoi bi ky luat do vi pham kiem soat tai san, thu nhap
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị. 
Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn có tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao;...
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt đánh giá, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện quyết liệt theo chủ trương "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Trong 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương phát hiện và xử lý 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm; phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn. Công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 235.271 người.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính; góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tích cực chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...
Tính đến ngày 23/9/2024, đã có 19.297 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó: 5.194 thủ tục của người dân, 4.723 thủ tục của doanh nghiệp; có trên 55,75 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 70,69 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì mức độ cao.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá; các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong giai đoạn 2020- 2024, đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thông qua hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, các Toà án cấp sơ thẩm xác định có 179 vụ án với 602 bị cáo thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản. Toà án đã tuyên tổng số tiền, tài sản tham nhũng (được quy đổi giá trị bằng tiền) phải thu hồi là 4.572.105.353.780 đồng.
Giai đoạn 2020- 2024 có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng; hiệu quả một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp;...
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, bên cạnh những mặt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: cơ chế chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính chuyển biến chưa mạnh mẽ, thủ tục hành chính rườn rà; ttổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian kém hiệu lực, hiệu quả.v.v.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, những hạn chế tiêu cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực do nguyên nhân đã nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, cần lưu ý đến nguyên nhân về cơ chế chính sách cụ thể là: Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn còn những nội dung chưa phù hợp hạn chế, bất cập như quy định về hoạt động của tổ chức; quy định về chuyển đổi vị trí công tác; quy định về kiểm soát tài sản thu nhập...
Để phát huy những mặt tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, vừa coi trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, vừa quyết liệt, nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng về kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với công tác PCTN, tiêu cực;
Tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương để tiếp thu, học tập những kinh nghiệm về công tác PCTN theo hướng tiếp tục duy trì quan hệ với các nước, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; mở rộng quan hệ với các nước triển khai tốt công tác PCTN, gắn với thực hiện có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tin tưởng, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới cùng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và với sự đồng tình của toàn xã hội sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực để tiến tới xã hội không có tham nhũng như mục tiêu Trung ương đã đề ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xác minh thu nhập, tài sản của 8 trưởng phòng thuộc Bộ Công an:
 
Hải Ninh