Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Tư pháp ngày 9/9, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Chính phủ cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng có chuyển biến tích cực.
74 người kê khai tài sản, thu nhập chưa đúng quy định
Theo báo cáo, về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong kỳ đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Đến nay, có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện.
Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.
|
Toàn cảnh phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Tư pháp. |
Báo cáo cho thấy, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người).
Toàn ngành thanh tra đã triển khai 5.800 cuộc thanh tra hành chính và 115.122 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 51.657 tỷ đồng, 12.004ha đất; kiến nghị thu hồi 21.472 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.777 tập thể và 4.726 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 384 vụ, 196 đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỷ đồng (trong đó, tăng thu 2.670,4 tỷ đồng; giảm chi ngân sách 14.225,6 tỷ đồng; xử lý khác 39.816,6 tỷ đồng; giảm lỗ từ doanh nghiệp 12,7 tỷ đồng). Chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Các Cơ quan điều tra công an đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó, khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can.
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ/1095 bị can (trong đó, án mới 361 vụ/913 bị can). Đã giải quyết 353 vụ/893 bị can; hiện đang giải quyết 65 vụ/202 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ /1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ /949 bị cáo; xét xử 285 vụ/680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó, có 5 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 27 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm.
Thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao
Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỷ đồng; trong đó, số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng. Số đã thi hành xong là 1.493 việc (53,61%) với số tiền gần 10.327,73 tỷ đồng (20,51%).
Báo cáo nêu rõ, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét.
Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận.
Nghiên cứu báo cáo, Ủy ban Tư pháp cho rằng trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh...
Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan… tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
1.000 vụ móc túi, trộm cắp không nguy hiểm, thiệt hại bằng vụ Việt Á, Cục Lãnh sự:
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, trong công tác phòng chống tham nhũng và vi phạm pháp luật nổi lên tình trạng gia tăng tội phạm trong "giới công bộc của dân".
Ông dẫn ví dụ vụ việc bạo hành người tình của cán bộ quản lý thị trường ở Thanh Hóa; rồi vụ việc xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục, chạy án... như vụ Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức; vụ Việt Á, Cục Lãnh sự, vụ FLC, Tân Hoàng Minh cũng có cán bộ công chức tham gia.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. |
Theo đại biểu Nghĩa, cử tri quan tâm đến tội phạm trong cán bộ công chức vì người dân chờ đợi ở họ những tiêu chuẩn cao hơn dân thường và người dân tin rằng, khi đã tuyển dụng họ vào bộ máy nhà nước thì quy trình tuyển dụng họ cũng rất chặt chẽ, thử thách trong thời gian dài, nếu có phạm tội cũng không phạm tội nặng, quy mô lớn, không gây thiệt hại lớn cho xã hội…Vậy mà, một nhóm công chức cao cấp lại câu kết với nhau một cách có hệ thống để trục lợi rất lớn.
"Chúng tôi cho rằng, 1.000 vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hiểm, thiệt hại, nhưng không nguy hiểm, thiệt hại bằng vụ Việt Á, vụ Cục Lãnh sự, vì nó làm mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước", ông Nghĩa nói và đề nghị phải có sự thay đổi đột phá về phương pháp và chính sách trong công tác cán bộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng:
Hải Ninh