Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vụ hai cán bộ y tế tại huyện Hưng Hà (Thái Bình) nhận hối lộ cho công nhân của hai công ty qua chốt kiểm dịch COVID-19 ở Thái Bình dù chưa làm xét nghiệm COVID-19, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng trong vụ việc này rất nghiêm trọng.
Hành vi này không những xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại địa phương.
|
Các đối tượng trong vụ án. |
Theo quy định phòng chống dịch của tỉnh Thái Bình, người dân ra vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR trong vòng 72 giờ. Trường hợp vào tỉnh phải thực hiện cách ly y tế tạm thời tại khu cách ly tập trung theo quy định.
Tuy nhiên, các đối tượng Nguyễn Duy Việt (38 tuổi), Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Thiên Sơn và Nguyễn Trọng Đạt (38 tuổi), nhân viên Ban Tuyển dụng lao động Công ty cổ phần Tiên Hưng (tỉnh Hưng Yên đã cấu kết với các cán bộ có trách nhiệm phân công làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu Triều Dương để được qua chốt kiểm dịch mà không cần phải thực hiện các quy trình kiểm tra y tế theo đúng quy định.
Để bỏ qua quy trình kiểm dịch, các đối tượng Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Trọng Đạt đã “lo lót” số tiền cho ông Phạm Việt Cường - cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà 3,5 triệu và bà Vũ Thị Lan - cán bộ trạm Y tế xã Tân Lễ 5 triệu đồng. Lan 2 lần nhận tổng số tiền 15.000.000 đồng từ Nguyễn Duy Việt.
Luật sư Thơm cho rằng, xét hành vi của 2 cán bộ kiểm dịch đã lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận tiền của 2 đối tượng đã cấu thành tội Nhận hối hộ. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 354 Bộ luật hình sự. Mức phạt hai cán bộ y tế này phải đối mặt được quy định tại điều b, khoản 2 điều 354 phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Đối với hành vi của các đối tượng Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Trọng Đạt đưa tiền cho các cán bộ để không phải kiểm dịch ra vào tỉnh đã cấu thành tội Đưa hối lộ. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 364 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, trong vụ án này, do các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong thời kỳ dịch bệnh nên sẽ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm L, Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội”.
Trước đó, tối ngày 28/8, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Việt Cường (1992, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà và Vũ Thị Lan (SN 1984, trú tại xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - cán bộ trạm Y tế xã Tân Lễ về tội “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 354 Bộ luật hình sự.
Đồng thời, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam về tội “Đưa hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 364 Bộ luật hình sự đối với hai bị can Nguyễn Trọng Đạt (SN 1984, trú tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) - cán bộ của công ty Cổ phần Tiên Hưng có trụ sở tại thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên và Nguyễn Duy Việt (SN 1983 trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) - Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Thiên Sơn có trụ sở tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Các Quyết định và Lệnh nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Kết quả điều tra cho thấy, với vai trò là cán bộ y tế thuộc tổ công tác liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 tại cầu Triều Dương (Hưng Hà) có nhiệm vụ kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với người đi, vào Thái Bình, Phạm Việt Cường, Vũ Thị Lan đã nhận số tiền 3.500.000 đồng từ Nguyễn Trọng Đạt. Ngoài ra, Cường cùng với Lan nhận số tiền 5.000.000 đồng từ Nguyễn Duy Việt. Riêng Lan 2 lần nhận tổng số tiền 15.000.000 đồng từ Nguyễn Duy Việt.
Sau khi nhận hối lộ, hai đối tượng trên đã để cho các nhân viên của hai công ty có giấy xét nghiệm COVID-19 quá hạn được qua chốt kiểm soát dịch vào địa bàn tỉnh Thái Bình.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đang điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hỗ trợ cấp bách xây bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19:
Hải Ninh