2 hãng hàng không Việt Nam tạm dừng khai thác hơn 40 máy bay A321 NEO

Google News

Từ 1/1/2024, có 42 máy bay Airbus A321 NEO của 2 hãng hàng không Việt Nam cần tạm dừng bay để kiểm tra động cơ theo thông báo kỹ thuật khẩn của nhà sản xuất.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị tuân thủ và thực hiện thông báo kỹ thuật khẩn (Alert ServiceBulletine) đối với động cơ PW1100 trên đội máy bay Airbus A321 NEO khai thác bởi các Hãng hàng không Việt Nam.

2 hang hang khong Viet Nam tam dung khai thac hon 40 may bay A321 NEO

Việt Nam tạm dừng bay 42 máy bay để kiểm tra động cơ. Ảnh minh họa.

Theo đó, trên cơ sở kết quả đánh giá của Tổ An toàn khai thác máy bay Airbus A321 NEO sử dụng động cơ PW1100G, Cục trưởng Đinh Việt Thắng yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet tuyệt đối tuân thủ và thực hiện ngay toàn bộ các nội dung của Alert Service Bulletine PW1000G-C-72-00-0224-00A-930A-D, PW1000G-C-72-00-0225-00A-930A-D và các phiên bản cập nhật tiếp theo của Nhà sản xuất đối với động cơ PW1100 trên tàu bay Airbus A321 NEO.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng yêu cầu Vietnam Airlines và Vietjet báo cáo kết quả, kế hoạch thực hiện về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 15/2 tới.

Trước đó, ngày 3/11/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã ban hành thông báo kỹ thuật khẩn và được áp dụng từ ngày 1/1/2024 nhằm kịp thời phát hiện hỏng hóc bất thường từ quá trình sản xuất động cơ PW1100 trên máy bay Airbus A321NEO (Alert Service Bulletine) số PW1000G-C-72-00-0224-00A-930A-D và PW1000G-C-72-00-0225-00A-930A-D.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ có 42 máy bay Airbus A321 NEO, tương ứng với 84 động cơ của Vietjet (22 máy bay) và Vietnam Airlines (20 máy bay) sẽ phải tạm dừng khai thác để kiểm tra theo thông báo của Pratt & Whitney.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines vào sáng 16/12/2023, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thông tin có 20 máy bay A321 NEO của Hãng gắn động cơ của Pratt & Whitney phải dừng hoạt động để kiểm tra kỹ thuật, khiến hãng gặp khó khăn trong khai thác. 

Ông Hà cho biết trong điều kiện bình thường, việc sửa chữa động cơ máy bay bị lỗi kỹ thuật cần 75-90 ngày/động cơ. Tuy nhiên sau đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến thiếu phụ tùng thay thế nên thời gian kiểm tra, sửa chữa động cơ kéo dài tới 200 ngày hoặc lâu hơn.

Để chủ động ứng phó, đảm bảo hoạt động kinh doanh thuận lợi, từ cuối năm 2023 Vietnam Airlines đã đàm phán với các nhà cho thuê máy bay để thuê máy bay bổ sung cho số máy bay phải tạm dừng khai thác.

Theo Phi Long/VOV.VN