Theo Điều 7 Luật Công chứng 2014, nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động đã đăng ký…
Như vậy, đối với văn phòng công chứng (VPCC) thì không được lập chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng đã đăng ký. Ông Nguyễn Hoàng Vũ (Trưởng VPCC quận 12) khẳng định VPCC quận 12 chỉ có một trụ sở đang hoạt động duy nhất là 122 Tô Ký, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.
Tên của văn phòng công chứng
Trước đây, khi Luật Công chứng 2014 chưa có hiệu lực (luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) thì tên gọi của VPCC được quyền đặt theo địa hạt nơi đặt trụ sở VPCC hay tên địa danh.
Tuy nhiên, kể từ 1-1-2015, khi thành lập VPCC phải căn cứ vào Điều 22 Luật Công chứng để đặt tên.
Cụ thể, tên gọi của VPCC phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo họ tên của trưởng văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của VPCC do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Mới đây, tháng 9-2018, UBND TP.HCM đã cho phép thành lập 12 VPCC tại TP.HCM. Cụ thể, tên gọi của VPCC như VPCC Lê Văn Sơn (quận 2), Nguyễn Duy Cường (huyện Bình Chánh), Văn Thị Mỹ Đức (quận 3)…
Trường hợp khi thay đổi trụ sở, địa chỉ của VPCC thì tên của VPCC đó cũng phải thay đổi tên theo Luật Công chứng mới.
Ví dụ: VPCC Củ Chi (huyện Củ Chi) được thành lập năm 2010, nay VPCC này đổi địa chỉ trụ sở văn phòng thì buộc phải đổi tên theo luật mới. Ngày 21-9-2018, VPCC Củ Chi đã dời trụ sở về địa mới tại 124A tỉnh lộ 8, khu phố 2, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi nên phải đổi tên gọi mới là VPCC Dương Thái Hoàng (tên của trưởng VPCC này).
Theo KIM PHỤNG / PLO