Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi vừa bắt đầu buổi làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn chiều 1/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết toàn bộ 211 công nhân bị cô lập tại thủy điện Đắk Mi 2 (thông tin ban đầu là 215 người) đã được đưa ra ngoài an toàn vào chiều 1/11.
Theo vị phó chủ tịch, hiện hai xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) vẫn bị cô lập do mưa lũ, chưa thể tiếp cận qua đường bộ vì nhiều cung đường bị chia cắt.
Huy động 32 cano tìm kiếm người mất tích tại Trà Leng
Trong sáng nay, trực thăng của sư đoàn 372 thuộc Quân chủng Phòng không không quân đã vận chuyển khoảng 2 tấn lương thực, thực phẩm và gạo đến xã Phước Lộc. Cùng với đó, gần 200 chiến sĩ, dân quân và người dân đang gùi khoảng 400 kg lương thực vào xã Phước Thành. Hiện, lực lượng này đã đi được nửa đường.
"Về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tương đối cầm cự được qua cơn bão số 10", ông Bửu thông tin.
|
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, báo cáo với Thủ tướng về tình hình cứu hộ, cứu nạn tại Trà Leng. Ảnh: Thanh Đức. |
Về việc tìm kiếm những người dân còn đang bị vùi lấp tại Trà Leng, Phó chủ tịch Bửu cho biết dù hơn 800 chiến sĩ đã nỗ lực tìm kiếm nhưng đến nay, vẫn còn 14 người mất tích. Sáng nay, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã điều động 32 thuyền, canô để phục vụ tìm kiếm tại khu vực sông Tranh.
Còn với 13 người mất tích do sạt lở tại xã Phước lộc, đến nay, vẫn còn 8 người chưa được tìm thấy.
Báo cáo về vấn đề này, Chính ủy Quân khu 5 Trịnh Đình Thạch cho biết ngay sau khi nhận được thông tin người dân gặp nạn do sạt lở, Quân khu 5 đã khẩn trương chỉ đạo, chỉ huy lực lượng ngay trong đêm, đặc biệt là lực lượng tại chỗ để giải cứu người dân.
"Riêng tại Trà Leng, trong những chỗ bị san bằng, anh em đã đào đi bới lại, tìm hết rồi, còn 14 người không tìm được", ông Thạch báo cáo.
Để đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ trong tình hình cơn bão số 10 sắp đổ bộ, trung tướng Trịnh Đình Thạch đề xuất tỉnh Quảng Nam đánh giá lại tình hình và nghiên cứu di dời lực lượng quân đội khỏi Trà Leng để tập trung tìm kiếm tại các lòng sông và lòng hồ.
Bão số 9 khiến 80 người chết và mất tích, thiệt hại 10.000 tỷ
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục đích của buổi làm việc này là bàn biện pháp mạnh mẽ, thiết thực để người dân không phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất", đặc biệt trong bối cảnh nhiều nơi còn bị cô lập và trẻ em chưa thể tới trường. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân.
Thủ tướng đặt vấn đề trước tình hình bão lũ lớn, địa chất công trình thay đổi thì về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”.
|
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Đức. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 9 - Molave - là cơn bão lịch sử trong 20 năm qua, trực tiếp tác động vào miền Trung (tương đương cơn bão Xangsane năm 2006). Thời gian lưu bão rất dài, khoảng 6-7 giờ. Cơn bão số 9 đổ bộ trong bối cảnh miền Trung bị tổn thương rất nặng nề sau nhiều ngày mưa lũ liên tiếp, đặc biệt các tác động thiên tai dồn dập trong tháng 10.
Tâm bão tại Quảng Ngãi với sức gió cấp 11-12, giật cấp 14-15; đồng thời gây mưa lớn bình quân từ 600 - 800 mm tại các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, từ 200-400 mm tại các tỉnh Quảng Bình - Bình Định.
Để chuẩn bị ứng phó với bão, trong thời gian rất ngắn, chưa đến 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các tỉnh đã kêu gọi 45.000 tàu thuyền với 300.000 thuyền viên vào nơi tránh trú trong bờ hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức sơ tán hơn 100.000 hộ dân với hơn 400.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Di dời và tuyên truyền đến người dân tại 118.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản vào vùng nước an toàn và di dời người nuôi trồng lên bờ đảm bảo không để xảy ra rủi ro. Toàn bộ 2.700 hồ chứa được phối hợp kiểm soát, nhất là các hồ lớn.
Mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, song cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn. Cụ thể, 80 người chết và mất tích, trong đó, 45 người tử nạn do sạt lở đất. 727 nhà sập hoàn toàn. Theo số liệu các tỉnh báo cáo, thiệt hại ban đầu ước tính 10.000 tỷ đồng.
Theo Thu Hằng - Thanh Đức/Zing